Bình Thuận cấp phép thêm 5 mỏ đất phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh vừa cấp phép thêm 5 mỏ đất phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết áp dụng theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 (đã khởi công và sắp khởi công) và Nghị quyết 133/NQ-CP  sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP.

Chú thích ảnh
Máy móc, thiết bị phục vụ thi công đường cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận).

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7, hiện tổng số mỏ đất được cấp phép phục vụ dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 11 mỏ. Tổng trữ lượng các mỏ ước tính đạt 4,45 triệu m3, tương đương 5,04 triệu m3 đất rời.

Ban Quản lý dự án 7 đang tiếp tục chỉ đạo nhà thầu khẩn trương phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bình Thuận giải quyết nhanh các vướng mắc, phát sinh. Dự kiến 5 mỏ mới được cấp phép sẽ đưa vào khai thác cuối tháng 4/2022. Nhu cầu vật liệu đất đấp hiện còn thiếu phục vụ thi công đoạn này là khoảng 0,9 triệu m3.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP và Nghị quyết 133/NQ-CP đã tháo gỡ, giảm bớt thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Đối với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục hoàn tất thủ tục cấp phép đối với các mỏ được đề xuất.

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh  Bình Thuận có tổng chiều dài 160,3 km, gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
 
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 2.684/2.684 hộ gia đình và tổ chức; hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư. Đồng thời, hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) ảnh hưởng đến mặt bằng thi công của dự án gồm: Hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống viễn thông, điện trung hạ thế, điện cao thế 110 kV...

Trước đó, ngày 19/4/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tình hình triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Theo đó, hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đạt 32 - 38,5% giá trị hợp đồng. Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm 13,3% giá trị hợp đồng (chậm hai tháng so với kế hoạch).
 
Hiện còn một số tồn tại như tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết như: còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời, còn thiếu 0,9 triệu m3 tại hai mỏ chưa được cấp phép; giá nhiên, vật liệu tăng cao… Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các đơn vị liên quan cần phải cố gắng, quyết tâm hơn nữa đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Tin, ảnh: Nguyễn Thanh (TTXVN)
Vì sao cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm tiến độ?
Vì sao cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm tiến độ?

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài hơn 100 km và là một trong 4 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm nay theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải. Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án cùng các nhà thầu đang thực hiện nhiều giải pháp, nhưng đến nay tổng thể dự án vẫn chậm tiến độ so với yêu cầu để ra. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN