Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã có báo cáo kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, qua xác minh, kiểm tra việc các xã phát 2 loại thuốc Kasakiusa I30EW và Cadicone 200EC để xịt trên cây điều là “không đúng theo đối tượng cây trồng được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam (2 loại thuốc này chỉ đăng ký trên cây lúa) và không đúng theo hướng dẫn về phòng chống sâu, bệnh hại trên cây điều tại văn bản 143/SNN-KN ngày 29/1/2018 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn".
Cũng theo báo cáo kết luận kiểm tra của Sở, việc hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật tại các xã Thọ Sơn, Thống Nhất, Đắk Nhau trên địa bàn huyện Bù Đăng là đúng quy định tại Quyết định số 247/QĐ-UBND ngày 30/1/2018 của UBND tỉnh Bình Phước về việc hỗ trợ nông dân trồng điều bị sâu bệnh hại niên vụ 2016-2017. Đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có việc hỗ trợ kinh phí cho nông dân trồng điều, với mức hỗ trợ bình quân 2 triệu đồng/ha, hạng mục hỗ trợ là thuốc bảo vệ tực vật, chăm sóc bảo vệ bông và trái non theo quy trình cho niên vụ 2017-2018.
Tuy nhiên, UBND huyện Bù Đăng đã phê duyệt hỗ trợ bằng tiền cho các hộ dân bị thiệt hại, theo bình quân từng hộ (500.000 đồng/hộ) mà không dựa vào diện tích điều thực tế của từng hộ là chưa đúng với quyết định 247/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước (định mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha). Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Nông thôn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra.
Trước đó, tỉnh Bình Phước ban hành quyết định hỗ trợ nông dân trồng điều bị thiệt hại do sâu bệnh bằng hạng mục thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc bảo vệ bông và trái non theo quy trình cho niên vụ 2017-2018 với mức hỗ trợ bình quân 2 triệu đồng/ha.
Quyết định triển khai hỗ trợ bằng nguồn ngân sách trên 44,7 tỷ đồng và được phân bổ cho 10 huyện, thị. Chương trình hỗ trợ thực hiện từ đầu mùa vụ 2018 (từ ngày 30/1/2018) để "giải cứu" các vườn điều bị sâu bệnh tấn công gây thiệt hại nặng. Riêng huyện Bù Đăng được nhận hỗ trợ cao nhất tỉnh với số hộ nông dân trồng điều bị sâu bệnh tấn công được hỗ trợ thuốc với kinh phí lên đến trên 17,7 tỷ đồng. Kết quả hỗ trợ đến nay đã được thống kê gồm 361 hộ nghèo với diện tích trên 675 ha; 5.407 hộ đồng bào dân tộc với diện tích 15.164 ha và 193 hộ chính sách với diện tích 453 ha…
Tuy nhiên, kết quả thu hoạch mùa vụ điều năm 2018 được bà con nông dân ở huyện Bù Đăng báo cáo “mất mùa điều” trầm trọng. Nhiều hộ nông dân nằm trong chương trình nhận hỗ trợ phản ánh gần như mất trắng vụ điều 2018.
Cụ thể, nhiều hộ dân ở thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng gửi đơn kêu cứu Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi cùng Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành đã phản ánh mất mùa điều sau khi áp dụng theo chương trình hỗ trợ với hạng mục thuốc bảo vệ thực vật phun xịt lên cây điều. Trong đơn kêu cứu của bà con nhà nông cho rằng, đối với diện tích được hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật dùng để phun lên các vườn điều đều giảm mạnh năng suất và mất mùa. Trong khi đó, các vườn điều không phun thuốc hỗ trợ đều có năng suất thu hoạch khá cao.
Theo nhiều hộ nông dân phản ánh, sau khi phun thuốc từ 5 - 7 ngày thì điều bị khô cháy bông, trái non chuyển sang màu đen, năng suất giảm mạnh. Với 1ha điều chỉ cho sản lượng khoảng 200kg và điều đáng lo hơn, hiện nay những vườn điều phun thuốc hỗ trợ không phát triển đọt non, nhú chồi được, cành lá bị khô, có nguy cơ ảnh hưởng đến vụ sau 2019…