Bình ổn thị trường phân bón:Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Vụ Đông Xuân ở Miền Bắc và vụ Hè Thu ở Miền Nam đang bước vào cao điểm sử dụng phân bón và “đến hẹn lại lên”, giá phân đạm urê trong nước lại có dịp đánh thẳng vào túi tiền eo hẹp của người nông dân. Vậy đâu là giải pháp hiệu quả bình ổn thị trường phân đạm trong nước


Nông dân vẫn chưa được hưởng lợi

Tại Hội nghị “bình ổn thị trường thị trường phân đạm và nâng cao hiệu quả phân phối đạm Phú Mỹ” ngày 18/3 tại Nam Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy khẳng định: Nhiều năm nay, Chính phủ đã có các văn bản nhằm bình ổn thị trường phân bón, đặc biệt là phân đạm nhưng chưa mang lại hiệu quả thực sự.


Ảnh internet


Với vai trò đáp ứng khoảng 40% nhu cầu đạm urê trong nước, Tổng Công ty Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (DPM-đạm Phú Mỹ) vẫn đang cố sức thực hiện vai trò bình ổn thị trường với giá bán 8.500 đồng/kg, thấp hơn giá các loại phân đạm nhập khẩu khác khoảng 1.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, những nỗ lực bình ổn này của DPM vẫn chưa mang lại lợi ích tối đa cho người nông dân bởi hệ thống phân phối phân bón còn tồn tại nhiều tầng nấc trung gian khiến giá đạm Phú Mỹ thực tế đến tay nông dân vẫn trên 9.300 đồng/kg ở thời điểm hiện nay. Đây là bất cập lớn bởi DPM được hưởng ưu đãi về giá khí và không phải mất các loại thuế nhập khẩu và cước vận chuyển.

Theo Chủ tịch PVN Đinh La Thăng, mặc dù giá bán đạm Phú Mỹ thấp hơn giá thị trường từ 10-15% nhưng hầu như nông dân không được hưởng lợi. Thậm chí, chính sách này chỉ làm lợi cho khâu trung gian; thậm chí còn vô tình “đẩy” thị trường đến chỗ khan hàng do doanh nghiệp không dám nhập khẩu, dẫn tới sốt giá giả tạo.

Từ góc độ của doanh nghiệp kinh doanh phân bón, Đại lý cấp I phân bón DPM của Nam Định, ông Trần Quốc Toản lại chỉ ra bất cập trong chính sách bán hàng theo giá trần của đạm Phú Mỹ hiện nay. Theo ông Toản, hiện nhu cầu sử dụng đạm Phú Mỹ rất lớn nhưng nguồn cung từ nhà máy lại không thể đáp ứng vào cao điểm mùa vụ. Trong khi đó, chính sách bán hàng theo giá trần của Phú Mỹ đã khiến các doanh nghiệp thụ động chờ giá đạm Phú Mỹ để nhập hàng, dẫn tới tình trạng thiếu nguồn hàng.

Tổ chức lại hệ thống phân phối

Theo cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ông Nguyễn Trí Ngọc, bên cạnh giải pháp tăng cường hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân đạm tiết kiệm, hiệu quả thì việc tổ chức lại hệ thống phân phối phân bón chính là giải pháp rất quan trọng để đảm bảo mức chênh lệch giá từ nhà sản xuất đến “tay” người nông dân thấp nhất.

Ủng hộ giải pháp này, đại diện Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho rằng: Các doanh nghiệp cần mở rộng mạng lưới cung ứng phân bón trực tiếp cho người nông dân nhằm tăng cường kiểm soát giá bán trong hệ thống, hạn chế sự tăng giá bất hợp lý trong khâu lưu thông. Bên cạnh đó, giải pháp chủ động dự trữ phân bón trước mùa vụ để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi có biến động lớn về giá hoặc mất cân đối cung cầu cũng rất quan trọng.

Tuy nhiên, từ góc độ nhà sản xuất kinh doanh, Tổng Giám đốc DPM Cao Hoài Dương cho biết: Việc thực hiện nghiêm túc dự trữ 70 nghìn tấn phân bón trước mùa vụ để can thiệp thị trường kịp thời khi sốt giá (như chỉ đạo của Chính phủ) là giải pháp cần thiết nhưng điều này đồng nghĩa với việc DPM phải chấp nhận đọng 600 tỷ đồng trong kho khiến việc kinh doanh bị giảm hiệu quả, nhất là trong điều kiện lãi suất vay ngân hàng ở mức cao như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các kho dự trữ trung chuyển ở các vùng miền để đảm bảo không xảy ra sốt giá tại các tỉnh thành do chênh lệch thời điểm mùa vụ cũng cần lượng vốn đầu tư rất lớn. Vì vậy, hiện dự trữ phân bón của DPM cũng chỉ thực hiện được ở tổng kho Nhà máy tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Để giải pháp này khả thi, song song với quy định bắt buộc các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón phải duy trì một lượng hàng dự trữ nhất định, Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi tín dụng, thuế, đầu tư kho bãi, tiếp cận ngoại tệ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.

Đại diện quyền lợi của 100 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy lại cho rằng: Trong giai đoạn biến động giá dầu thô, giá nguyên nhiên liệu đầu vào như hiện nay, bình ổn thị trường phân đạm cần phải hiểu là bình ổn về nguồn cung giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu trên cơ sở tính toán mức giá hợp lý đảm bảo cho nhà sản xuất, nhập khẩu có lãi và người nông dân chấp nhận được.

Về phía nhà sản xuất, cùng với việc yêu cầu các cơ quan chức năng thực thi các chế tài xử phạt thật nghiêm các hành vi găm hàng tăng giá bất hợp lý, ông Đinh La Thăng đã đề xuất giải pháp hoàn toàn mới là cào bằng giá đạm sản xuất trong nước với giá nhập khẩu. Theo đó, toàn bộ phần chênh lệch giá do DPM được bao cấp giá khí sẽ được thu lại để nộp vào quỹ an sinh xã hội mang lại lợi ích trực tiếp cho người nghèo và nông dân.

Nguyễn Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN