Chỉ trong một tháng, giá vàng miếng SJC tăng 10%
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tỏ ra khá bất ngờ vì giá vàng tăng cao tột đỉnh, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động khó lường.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, giá vàng đang diễn biến khá thất thường, lên cao nhưng cũng có thể rớt nhanh, chưa kể giá vàng trong nước đang chênh lệch rất lớn so với giá thế giới.
Nếu như cuối tuần qua, giá vàng miếng SJC đóng cửa ở mức giá 76,6 triệu đồng/lượng, tăng gần 15% so với đầu năm thì ngày 25/12, mỗi lượng vàng miếng đã tăng gần 1,5 triệu đồng, bán ra ở mốc 78,5 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước tới nay. Một điều bất thường, giá vàng trong nước và thế giới đang “vênh” nhau gần 18 triệu đồng. Điều này dẫn đến rủi ro lớn khi đầu tư nếu giá vàng đột ngột giảm.
Cuối ngày 25/12, giá vàng SJC niêm yết tại Công ty Doji Thành phố Hồ Chí Minh từ 77,35 - 78,45 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng so với đầu giờ chiều 25/12 và tăng 1,45 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng 25/12.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý từ 77,3 - 78,4 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với đầu giờ chiều 25/12 và tăng 1,4 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng cùng ngày. Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu cuối giờ chiều 25/12 tăng thêm 260.000 đồng với giá mua vào – bán ra từ 62,73 - 63,68 triệu đồng/lượng. Trong ngày 25/12, thương hiệu này tăng 280.000 đồng/lượng.
Tại thị trường thế giới, kim loại quý quốc tế có lúc lên 2.070 USD/ounce trước khi hạ về 2.053 USD. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương gần 60,5 triệu đồng một lượng, thấp hơn 2,6 - 3 triệu đồng so với vàng nhẫn và kém 18 triệu đồng so với giá vàng miếng.
Giá vàng miếng liên tiếp xác lập mức kỷ lục trong 2 tuần trở lại đây. Ước tính, mỗi lượng vàng miếng đã tăng 3,5 triệu đồng trong chục ngày qua. Còn so với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng đã tăng 11 triệu đồng, tương đương mức tăng hơn 16% một năm.
Khoảng cách chênh vẫn lớn, rủi ro thuộc về người mua
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Nhà đầu tư không nên “lướt sóng” vàng vào thời điểm này do rủi ro rất lớn. Nhiều nhà đầu tư vàng có lãi thời gian qua đa số đều là những người đã nắm giữ vàng trung, dài hạn (từ 6 tháng, 1 năm trở lên).
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, giá vàng SJC chỉ nên cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5 triệu đồng/lượng. Nếu mức chênh này cao hơn nhiều so với con số 5 triệu đồng, rủi ro cho người mua vào vàng là rất lớn.
“Giá vàng ngày 25/12 tăng vượt mốc mọi thời điểm lịch sử trước đó. Giá vàng Việt Nam tăng phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới tăng cao trong thời gian qua đồng USD đang xuống giá, Chính phủ Mỹ nâng lãi suất đồng USD lên rất cao để chống lạm phát. Vì thế lạm phát có giảm nhưng chưa giảm như kỳ vọng. Giá cả vốn tăng làm sản xuất kinh doanh trì trệ, thị trường chứng khoán xuống”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với phóng viên Tin tức tối 25/12.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng đã tăng gần 1% do đồng USD suy yếu trước dữ liệu kinh tế mới được công bố thúc đẩy kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất trong năm sau.
Theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, giá vàng tăng còn do nhu cầu vàng dự trữ quốc gia trên thế giới lên cao. Trên thế giới, các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ vàng nhiều hơn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi những tín hiệu cho thấy, có thể cắt giảm lãi suất 3 lần vào năm 2024.
“Fed giảm lãi suất, đồng nghĩa USD suy yếu, từ đó hỗ trợ giá vàng. Ngoài ra, nhu cầu mua vàng vật chất tăng cao trên toàn thế giới để phục vụ nhu cầu lễ hội và tích trữ dịp cuối năm cũng là lý do khiến giá vàng tăng mạnh. Quý IV hàng năm là thời điểm các ngân hàng Trung ương thường mua hàng vào, nhất là khu vực châu Á. Tính đến quý III/2023, ngân hàng Trung ương của các nước đã mua vào hơn 800 tấn vàng”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Một lý do nữa khiến vàng tăng giá, theo các chuyên gia kinh tế, do căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas, buộc các quỹ đầu tư trú ẩn vào vàng.
Tại Việt Nam, hiện là mùa lễ hội, cưới xin nên nhu cầu vàng tăng, giá vàng tăng. Trong khi đó năm 2023, các kênh đầu tư bất động sản trì trệ; đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán lên xuống thất thường; lãi suất trên thị trường tài chính, xuống thấp nhất trong thời gian qua. Từ đó một số nhà đầu tư nghĩ rằng, mua vàng để đảm bảo tài sản trong lúc đầu tư khó khăn.
“Với giá vàng hiện nay, rủi ro có thể xảy ra cho cả người mua và người bán, đặc biệt người mua không chuyên. Giá vàng Việt Nam đang cách xa so với giá vàng thế giới, rủi ro nhiều cho nhà đầu tư. Có ngày giá vàng tăng 1 triệu đồng/lượng, có ngày giá vàng lại ‘lao dốc’ mạnh. Chúng tôi mong các nhà đầu tư nên thận trọng khi giao dịch vàng. Trong quá trình đầu tư, không nên bỏ toàn bộ vốn vào đầu tư vàng mà có thể phân chia ra danh mục đầu tư để hạn chế rủi ro”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh đưa ra lời khuyên.
Còn ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam phân tích: Giá SJC tăng giảm không theo giá thế giới mà do cung cầu trong nước. “Nhiều người hiện vẫn nghĩ rằng, giá vàng còn lên nữa nên mua đón đầu. Thị trường vàng đang trong tình cảnh nhiều người mua nhưng không ai bán. Cầu có nhưng không có nguồn cung nên giá vàng lên bất thường như vậy”, ông Huỳnh Trung Khánh cho biết.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong:
Mua vàng tiết kiệm được nhiều người Việt lựa chọn vì lợi nhuận và tính thanh khoản cao. Việc mua vàng để dành cũng giúp bảo vệ giá trị tài sản và giảm thiểu rủi ro so với việc đầu tư chứng khoán. Đầu tư vàng là hình thức đầu tư sinh lời dài hạn, đòi hỏi nhà đầu tư phải kiên nhẫn và kiên trì, không nóng vội bán ra khi vàng còn đang bão hòa hoặc chưa tăng giá trị. Chính vì thế, một khi đã xác định mua vàng, người dân nên sử dụng tiền nhàn rỗi của bản thân để tránh phải vay nợ, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chi tiêu hàng tháng.