Ông Nguyễn Phước Đức, Trưởng ban Kinh doanh, Tổng Công ty Điện lực miền Nam cho biết, việc quản lý và kinh doanh điện nông thôn khu vực phía Nam của những tổ chức ngoài hệ thống ngành điện có nhiều bất cập. Giá bán điện không thống nhất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chất lượng điện năng yếu kém. Người dân nông thôn đang phải trả giá điện cao, cá biệt có nơi giá điện cao hơn giá quy định 5 đến 6 lần. Nông dân không được hưởng lợi
Tổng Công ty Điện lực miền Nam đang bán điện trực tiếp đến hơn 4,3 triệu hộ dân nông thôn trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam (chiếm tỉ lệ 87,88%). Số hộ dân còn lại (559.350 hộ) do các tổ chức điện nông thôn mua buôn điện của ngành điện và bán lẻ đến các hộ dân.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, cơ cấu giá mua và bán điện của các tổ chức điện nông thôn theo các Thông tư về giá bán điện của Chính phủ từ trước đến nay vẫn tăng ổn định khoảng 5%, nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì mức chênh lệch giá mua buôn - bán lẻ ngày càng lớn. Cụ thể, mức chênh lệch tăng giữa giá mua buôn và bán lẻ qua các lần điều chỉnh giá điện trước đây theo Thông tư 42/2011/TT - BCT là 355,43 đồng/kWh; Thông tư 17/2012/TT - BCT là 375,29 đồng/kWh; Thông tư 38/2012/TT - BCT là 394,28 đồng/kWh; Thông tư 19/2013/TT - BCT là 412,43 đồng/kWh.
Công nhân Công ty Điện lực An Giang kiểm tra kỹ thuật lưới điện nông thôn. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Vì vậy, các tổ chức điện nông thôn có lợi nhuận cao từ chênh lệch này và lợi nhuận họ hưởng lại chính là phần bù lỗ tại khu vực nông thôn mà ngành điện phải gánh chịu. Trong khi đó, người dân nông thôn không được hưởng lợi gì từ cơ chế giá bán buôn điện nông thôn của Chính phủ. Mặt khác, phần lớn các tổ chức điện nông thôn không đầu tư xây dựng mới lưới điện hoặc cải tạo lưới điện nông thôn để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở khu vực có mật độ dân cư thấp, người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Hiện nay, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam đang phải đầu tư vốn rất lớn để xây dựng lưới điện cao áp từ 220kV/110kV xuống đến hạ áp 0,4kV, đồng thời chịu thêm phần tổn hao điện năng trên lưới điện (khoảng 5%) để bán điện cho các tổ chức điện nông thôn với giá bán bình quân thấp hơn giá mua điện của EVN (chưa tính chi phí quản lý và truyền tải điện...). “Các chi phí này sẽ ích lợi hơn cho Nhà nước và cho xã hội nếu ngành điện bán điện trực tiếp và sử dụng khoản chênh lệch (giữa bán buôn và bán trực tiếp) này để đầu tư phát triển hệ thống điện trên địa bàn nông thôn”, ông Đức đề nghị.
Khó khăn khi đầu tư cấp điệnHầu hết các khu vực nông thôn chưa có điện trên địa bàn Tổng Công ty Điện lực miền Nam quản lý đều ở những khu vực vùng sâu vùng xa, mật độ dân cư thưa thớt và chưa có đường giao thông chính. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng lưới điện gặp rất nhiều khó khăn.
Do phải kéo đường dây dài, trạm phân phối non tải nên suất đầu tư cấp điện cho các hộ dân này quá lớn (khoảng từ 20-50 triệu đồng/hộ). Người dân sinh sống không theo quy hoạch nên việc xây cất nhà ở khá phức tạp làm ảnh hưởng đến việc xây dựng lưới điện, hướng tuyến đường dây cong queo do phải tránh nhà làm phát sinh thêm chiều dài và tăng giá thành đầu tư. Công tác quản lý sửa chữa lưới điện rất khó khăn do không có đường giao thông. Lưới điện vận hành thường ở chế độ non tải gây tổn thất điện năng lớn. Công tác thu tiền điện cũng gặp nhiều khó khăn không kém, có nơi chi phí cho việc thu tiền điện nhiều hơn doanh thu bán điện.
Mặt khác, do nguồn vốn ngân sách của đa số các địa phương đều có hạn, nên hầu hết các địa phương đều từ chối bố trí, cân đối ngân sách địa phương để thực hiện một phần tiêu chí điện nông thôn. Ông Nguyễn Phước Đức cho biết, các cấp chính quyền địa phương chỉ hứa hỗ trợ trong công tác quy hoạch sử dụng quỹ đất cho xây dựng lưới điện, các thủ tục về cấp đất, đền bù, giải phóng mặt bằng...
Trên thực tế, khối lượng đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn là rất lớn và không hiệu quả, do đó việc sắp xếp bố trí vốn cho khu vực nông thôn gặp rất nhiều khó khăn.
Mai Phương (TTXVN)