Điều chỉnh giá bán điện để đáp ứng yếu tố thị trường

Sau một thời gian dài giá điện bình ổn (từ giữa năm 2013), kể từ ngày 16/3, giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 7,5%. Dư luận đang đặt nhiều câu hỏi, đó là giá điện tăng như vậy đã hợp lý và minh bạch hay chưa; đồng thời ảnh hưởng như thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội trong năm 2015 và những năm tới? Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) để trả lời những thắc mắc này.

Phóng viên (PV): Việc điều chỉnh giá điện lần này được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán dựa trên các yếu tố nào? Cơ cấu biểu giá điện mới đối với các thành phần kinh tế có gì thay đổi không, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đợt điều chỉnh giá điện lần này Bộ Công Thương thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và cụ thể ở đây là Quyết định 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức bán lẻ điện bình quân. Việc tính toán và kiểm tra việc tăng giá điện lần này căn cứ vào báo cáo kiểm tra giá thành ngành điện năm 2013 đã được tổ công tác kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương làm tổ trưởng thực hiện. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện, ước tính chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2014.

Ông Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: mof.gov.vn

Liên bộ cũng xem xét kế hoạch sản xuất, cung ứng điện năm 2015 và kiểm tra những yếu tố đầu vào liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện như chi phí nhiên liệu, chi phí giá dầu, giá khí, giá than, liên quan đến vấn đề tỷ giá. Đặc biệt lần này, Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – những thành viên trong tổ công tác điều hành kinh tế vĩ mô kiểm tra và đánh giá tổng thể ảnh hưởng của giá điện đến tăng trưởng GDP, tốc độ tăng CPI và những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đợt tăng giá điện lần này đã được báo cáo lên Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã thống nhất xem xét và cho phép điều chỉnh giá điện.

Về vấn đề điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ lần này, Liên Bộ có mấy định hướng mới như sau: Thứ nhất đối với người nghèo và hộ chính sách xã hội thì tiếp tục được sự hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ. Thứ hai là tốc độ tăng giá điện đối với những hộ sử dụng điện ít, dưới 100 kWh tăng thấp hơn so với mức bình quân. Cũng thực hiện chủ trương của Chính phủ, lần tăng giá điện này đối với các hộ kinh doanh tăng thấp hơn so với các khách hàng tiêu thụ điện khác.

PV: Theo ông, tăng giá điện lần này đã đủ để đáp ứng các yêu cầu về đầu tư và phát triển cũng như thu hút đầu tư vào ngành điện chưa?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi có thể khẳng định rằng việc tăng giá bán lẻ bình quân 7,5% lần này để bù đắp các yếu tố đầu vào thay đổi, như giá nhiên liệu, tỷ giá. Trong lần tăng giá điện này, Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đã xem xét tất cả các chỉ số tổng hợp và chỉ cho phép lợi nhuận của EVN ở mức 1% và phần chênh lệch bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn treo, chưa được phân bổ của giá điện trong những năm trước.

PV: Thưa ông, việc tăng giá điện lần này có tính đến việc ưu tiên điều chỉnh giá truyền tải điện để đáp ứng các chỉ tiêu tài chính nhằm thu hút các dự án đầu tư phát triển lưới điện quốc gia hay không?

Giá bán điện mới áp dụng từ ngày 16/3/2015. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN.


Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi khẳng định là Bộ Công Thương và Chính phủ có chủ trương phải phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải cùng với các nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của nhân dân và sản xuất, kinh doanh, mặt khác phải đảm bảo độ tin cậy và an ninh về cung cấp điện. Vì vậy, việc thay đổi giá truyền tải điện phải thực hiện theo đúng quy định. Hiện nay, các thông tư của Bộ Công Thương đã quy định rõ về nguyên tắc xác định giá truyền tải. Trong năm 2015 và trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các thông tư này và cũng xem xét điều chỉnh và thay đổi thông tư để phù hợp với tình hình mới. Trong năm 2015, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo EVN điều chỉnh tăng giá truyền tải điện một cách phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước.

PV: Việc tăng giá điện sẽ tạo ra một số ảnh hưởng nhất định tới đời sống kinh tế - xã hội của cả nước. Thưa ông, đánh giá tác động từ Bộ Công Thương cho thấy ảnh hưởng của tăng giá điện lần này như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong lần điều chỉnh tăng giá điện này. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xem xét tổng thể về ảnh hưởng của việc tăng giá điện đến hoạt động kinh tế và đặc biệt là đời sống của nhân dân. Sau khi xem xét lựa chọn các phương án, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chỉ cho phép tăng giá điện bình quân lần này là 7,5%. Ở mức tăng giá này thì ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến tốc độ tăng CPI năm 2015 theo tính toán của Liên bộ khoảng từ 0,18 đến 0,23%. Đối với các hộ tiêu thụ điện 50 kWh/tháng thì mức tăng thêm khoảng 4.800 đồng, còn đối với các hộ tiêu thụ 100 kWh thì mức tăng là 9.800 đồng. Đối với ảnh hưởng lên các ngành kinh tế thì chúng tôi cũng có những đánh giá chung đối với từng ngành, hàng sản xuất, kinh doanh chính.

PV: Vậy còn đối với các hộ nghèo, hộ chính sách thì giá điện có tác động không, thưa ông?


Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đối với các hộ nghèo và gia đình chính sách thì hiện nay Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ trực tiếp. Đối với các hộ thuộc diện đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, mức hỗ trợ hiện nay là 30 kWh mỗi tháng theo biểu giá bậc một của giá điện sinh hoạt. Trong biểu giá điện trước đây thì mỗi tháng các hộ này được hỗ trợ mỗi tháng 46.000 đồng. Với biểu giá mới thì mức hỗ trợ mỗi tháng trên dưới 48.000 đồng. Vì vậy, có thể khẳng định rằng đối với các hộ nghèo và hộ chính sách thì việc giá điện tăng lần này sẽ không ảnh hưởng. Còn đối với các hộ tiêu thụ điện ít dưới 50 kWh và 100 kWh thì tác động đối với họ cũng đã được tính toán ở mức độ thấp nhất.

PV: Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, theo đánh giá của ông, tăng giá điện sẽ tác động như thế nào?


Ông Nguyễn Anh Tuấn:
Trước tiên tôi khẳng định việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là một chủ trương nhất quán của Chính phủ trong điều hành kinh tế nói chung và điều hành giá điện nói riêng. Khi xem xét việc tăng giá điện thì chúng tôi có xem xét những ảnh hưởng đối với các hộ sản xuất hoặc kinh doanh và đặc biệt là sản xuất, kinh doanh các ngành hàng tiêu thụ nhiều điện như xi-măng, sắt thép. Việc tăng giá điện lần này được đảm bảo không để ngành điện bán điện dưới giá thành và cũng là động lực để các hộ tiêu thụ nhiều điện thực hành tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cùng với các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến giá điện và chúng tôi sẽ kịp thời xem xét, điều chỉnh giá điện cho phù hợp, đúng với quy định của Nhà nước cũng như giảm thiểu ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.

PV: Một số ý kiến cho rằng, người dân hiện đang phải trả phí tiền điện cao để bù lỗ cho các khoản đầu tư ngoài ngành của EVN. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn:
Tôi cho rằng ý kiến này chưa có cơ sở vì nguyên tắc điều chỉnh giá điện lần này và lần tiếp theo đều dựa trên cơ sở bản cấu thành giá thành thuần túy của sản xuất, kinh doanh điện. Chỉ những yếu tố nào được đưa vào trong giá thành sản xuất điện mới được xem xét để điều chỉnh giá điện. Đối với các khoản đầu tư ngoài ngành của EVN thì EVN phải thực hiện theo chỉ đạo của Nhà nước.

PV: Kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu phục hồi, giá điện là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất. Xin ông cho biết đây có phải là lần điều chỉnh tăng giá điện duy nhất trong năm 2015 không?


Ông Nguyễn Anh Tuấn: Giá điện là một trong số những ngành hàng mà Nhà nước phải tăng cường quản lý do nó ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế-xã hội chung của cả đất nước. Chính vì vậy, trong việc điều chỉnh giá điện lần này cũng như những lần tiếp theo, chúng tôi một mặt phải quán triệt rằng giá điện phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nghĩa là không bán giá điện dưới giá thành, nhưng một mặt cũng phải tăng cường sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, thể hiện qua việc Liên Bộ sẽ kiểm tra, kiểm soát giá thành sản xuất, kinh doanh điện của EVN; kiểm tra, kiểm soát kế hoạch sản xuất-cung ứng điện cũng như các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá và các chi phí cấu thành giá thành điện. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện cũng có lên và xuống.

PV: Vâng, xin cám ơn ông!



Diệu Linh (TTXVN)

Doanh nghiệp thích ứng với giá điện mới
Doanh nghiệp thích ứng với giá điện mới

Các công ty, doanh nghiệp dự kiến sắp xếp lại thời gian làm việc cho công nhân, phân bổ thời gian sản xuất vào các giờ thấp điểm nhằm giảm tiền điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN