Trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn về chi phí đầu vào, việc tăng giá điện chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực cho DN. Do đó, các giải pháp như nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, tổ chức lại sản xuất… đang được các DN tính đến.Tiết kiệm hơn nữa!Không đợi đến khi có thông tin chính thức về việc tăng giá điện mà ngay từ năm 2013, Công ty cổ phần Pin Hà Nội đã coi việc tiết kiệm điện như là một trong những phương châm hoạt động. Gần đây, các khẩu hiệu về tiết kiệm điện đã được công ty treo tại tất cả các phân xưởng của nhà máy, với nội dung: Tắt máy triệt để sau giờ làm, Hạn chế bật điện ở những nơi không cần thiết… Công ty thường xuyên nhắc nhở công nhân để việc tiết kiệm điện đi vào ý thức của mỗi người.
“Chúng tôi cử người thường xuyên đi kiểm tra việc chấp hành và đưa vào quy chế. Nếu công nhân không tuân thủ quy chế tiết kiệm điện thì sẽ bị xử lý bằng cách trừ điểm thi đua”, ông Phạm Văn Nghĩa, Giám đốc công ty cho biết.
Còn tại một công ty sản xuất thép tại khu vực Tây Nguyên, bình quân mỗi tháng sử dụng hết 350 triệu đồng tiền điện. Trong đó, công đoạn luyện thép tiêu thụ chiếm khoảng 70% sản lượng điện. Khi giá điện tăng, chi phí “đội lên” sẽ không nhỏ. Đại diện công ty cho biết, giá điện tăng cùng với các yếu tố khác như: Biến động tỷ giá, giá nguyên liệu… khiến cho giá đầu vào tăng mạnh. Do đó, DN đang nghiên cứu tìm ra các phương án tăng giá hợp lý, đồng thời phải nghĩ cách tiết kiệm.
Thay thế và sử dụng bóng đèn compact sẽ góp phần tiết kiệm điện hiệu quả. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bóng đèn huỳnh quang compact chất lượng cao tại Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Công ty dự kiến sắp xếp lại thời gian làm việc cho công nhân, phân bổ thời gian sản xuất vào các giờ thấp điểm nhằm giảm tiền điện. Ca đêm làm từ 20 giờ 30 phút đến 7 giờ sáng hôm sau. Không gian nhà xưởng cũng được bố trí lại cho thông thoáng bằng cách tận dụng tối đa ánh sáng và gió từ 2 bên nhà xưởng. Ngoài ra, công ty cũng phổ biến cho công nhân cách sử dụng các thiết bị điện hiệu quả, tránh tiêu tốn điện năng không cần thiết.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, dù chưa có con số cụ thể về mức độ ảnh hưởng, nhưng tăng giá điện 7,5% chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành 70% sản lượng thép sản xuất bằng điện hồ quang. “DN phải tính toán lại để điều tiết chi phí sản xuất và cân đối với giá thành”, ông Dũng nhận định.
Thực tế, khi có thông tin giá điện tăng, người tiêu dùng có tâm lý lo lắng giá cả các loại hàng hóa trong xã hội cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, nhiều DN đang cố gắng tiết giảm chi phí để hạn chế việc tăng giá trong thời gian ngắn hạn. Bởi trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, sức mua còn yếu, việc tăng giá mà không dựa trên tính toán cụ thể có thể sẽ là con dao hai lưỡi gây hại cho chính DN.
Tìm công nghệ hiện đạiCác ngành chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá điện tập trung ở nhóm công nghiệp nặng, cơ khí chế tạo do những ngành này tiêu tốn một lượng lớn điện. Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các ngành này cần phải áp dụng những công nghệ sản xuất hiện đại để giảm tổn thất điện năng.
Hiện nay, theo số liệu của Bộ Xây dựng, sản xuất 1 tấn xi măng ở Việt Nam tiêu tốn khoảng 100 kWh điện. Trong khi đó, mức tiêu thụ trung bình trong khu vực chỉ từ 85-90 kWh/tấn xi măng. Do vậy, yêu cầu đối với ngành xi măng là phải áp dụng công nghệ phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng, một trong những giải pháp là ứng dụng công nghệ thu hồi nhiệt thải để phát điện. Trong quá trình sản xuất, một lượng lớn khí thải và bụi với nhiệt độ cao (khoảng 3.000 độ C) thải ra làm ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng và giảm hiệu quả sản xuất. Các nhà máy xi măng cần được trang bị hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải. Cụ thể, một nhà máy sản xuất xi măng với công suất 20.000 tấn/ngày sẽ có công suất phát điện khoảng 23.000 kW. Tận dụng được nguồn điện đó, bài toán năng lượng trong các nhà máy xi măng sẽ được giải quyết đáng kể.
“Việc tăng giá điện nên chia nhỏ làm nhiều lần để nền kinh tế có thể kịp thời thích ứng. Mức tăng hợp lý nhất là khoảng 3,5%/lần. Dù vậy, việc tăng giá điện cũng sẽ tạo áp lực khiến ngành sản xuất cũng như người tiêu dùng tiết kiệm điện một cách tối đa”, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế. |
Ngoài ra, có thể cải tạo dây chuyền sản xuất, chẳng hạn tại công đoạn đóng bao, sử dụng silo chứa xi măng hai nòng với máy đóng bao hoàn toàn tự động, đảm bảo độ chính xác trọng lượng bao xi măng nhỏ hơn 0,25 kg/bao; công đoạn làm nguội clinker: sử dụng thiết bị clinker với máy cán thế hệ mới…
Đề cập đến việc đầu tư công nghệ mới để giảm tiêu thụ điện năng trong ngành thép, ông Hồ Nghĩa Dũng cho rằng không thể làm trong ngày một ngày hai được bởi đầu tư trong ngành thép rất tốn kém. Tuy nhiên, các DN cần phải chủ động hơn, dự báo biến động giá các sản phẩm, nguyên liệu đầu vào để dự trù thêm vào chi phí sản xuất. Mặt khác, trong hợp đồng đưa thêm điều khoản điều chỉnh giá bán trong trường hợp có biến động giá thành bất thường.
Đối với các DN dịch vụ, việc thay thế hệ thống chiếu sáng thông thường bằng thiết bị tiết kiệm điện và lắp đặt các hệ thống điều hòa biến tần được xem là giải pháp đơn giản và hữu hiệu để tiết kiệm chi phí điện năng.
Hoàng Dương