Bất cập quy hoạch cao tốc - Bài cuối: Không chỉ tính đến hiệu quả ngắn hạn

Sau Ninh Bình, Thanh Hoá cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét trình cấp thẩm quyền đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phương vì lo quá tải sau khi vừa đưa vào khai thác.

Cùng với đó, một số bất cập cần giải quyết khi đưa các tuyến đường bộ cao tốc vào khai thác như chưa hoàn thành hệ thống đường gom dân sinh, hệ thống ITS hay trạm dừng nghỉ. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ xung quanh vấn đề này. 

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Từ đầu năm đến nay, một loạt các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được đưa vào khai thác phát huy hiệu quả rõ rệt về kinh tế - xã hội, Bộ Giao thông vận tải đã rút ra được những bài học gì từ việc triển khai các dự án này, thưa Thứ trưởng?

Một loạt các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 (2017-2020) được khánh thành thời gian vừa qua chỉ là bước đầu trong chiến lược phát triển hạ tầng giao thông vận tải; trong đó, có hệ thống đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, ngành giao thông rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo các dự án giao thông trọng điểm về cao tốc.

Đặc biệt là việc xử lý vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giải quyết nguồn vật liệu (đất, cát); rút gọn thủ tục hành chính và vấn đề chuẩn bị nguồn vốn trong triển khai các dự án đường bộ cao tốc. Từ đó phối hợp triển khai rất nhanh các dự án đường bộ cao tốc hiện nay. Như vậy mới đáp ứng được tiến độ và mục tiêu đến năm 2025 có hơn 3.000 km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 là 5.000 km như mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Nhiều tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác nhưng hệ thống đường gom, đường dân sinh chưa hoàn thiện. Cùng với đó là trạm dừng nghỉ cũng chưa được xây dựng, tốc độ khai thác hạn chế. Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là khi triển khai các tuyến đường bộ cao tốc phải thực hiện đồng bộ từ vấn đề đường, hệ thống trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống đường gom dân sinh, những nút giao… Đây là những công việc phải đặc biệt quan tâm thực hiện đồng bộ ngay từ đầu đối với các dự án đang và sẽ triển khai trong thời gian tới. Với những dự án đã đưa vào khai thác, những hạng mục nào đang thiếu, chưa hoàn thiện thì cần bổ sung, hoàn thiện ngay.

Về đường gom dân sinh, nút giao tại các dự án vừa đưa vào khai thác, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu cần gấp rút, khẩn trương thực hiện đồng bộ ngay hệ thống đường gom dân sinh, bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác. Qua đó, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh của người dân. Để đảm bảo an toàn giao thông cho các tuyến cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu ưu tiên hoàn thiện các hạng mục này như: hàng rào chắn, hệ thống an toàn giao thông, nút giao phải được rà soát, bổ sung hoàn thiện càng sớm càng tốt.

Chú thích ảnh
Cao tốc QL45 - Nghi Sơn có điểm đầu giao với đường Nghi Sơn – Thọ Xuân, nối tiếp với cao tốc Mai Sơn – QL45 và điểm cuối tại nút giao với đường Nghi Sơn – Bãi Trành, kết nối với cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Về tốc độ khai thác của các tuyến cao tốc, hiện nay được thực hiện theo tiêu chuẩn và quy trình khai thác hiện hành. Hiện tại, giữa vận tốc thiết kế và vận tốc khai thác phải qua thời gian sẽ xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp, qua đó tăng được năng lực thông hành của các tuyến vừa được đưa vào khai thác. Bộ Giao thông Vận tải sẽ có đánh giá, sơ kết lại trong thời gian sớm nhất để giải quyết vấn đề trên.

Sau Ninh Bình, đến Thanh Hoá cũng vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét trình cấp thẩm quyền đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phương đạt quy mô theo quy hoạch, qua đó tăng năng lực vận tải. Thứ trưởng đánh giá thế nào về những kiến nghị này?

Đến nay, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) mới chỉ có đoạn Phan Thiết - Dầu Giây (nối Bình Thuận - Đồng Nai) được đầu tư với quy mô hoàn chỉnh. Các đoạn tuyến còn lại đều đầu tư ở giai đoạn phân kỳ, chưa đạt số làn đường theo quy hoạch xác định. Bộ Giao thông Vận tải sẽ quan tâm tới các kiến nghị của địa phương về việc tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy hoạch và báo cáo xin chủ trương nghiên cứu gửi cấp thẩm quyền.

Về chủ trương chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng như Bộ Giao thông Vận tải đều muốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các dự án đường bộ cao tốc ngay từ đầu. Tuy nhiên, vì nguồn lực còn có hạn, nên phải tính đến các bước, các giải pháp và hiệu quả đầu tư của mỗi dự án.

Hiện nay, các ngành chức năng tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng theo quy hoạch và phân kỳ đầu tư phần xây lắp nhưng khi nguồn lực đã tích lũy được thì tiếp tục đầu tư mở rộng để đảm bảo năng lực vận tải và lưu thông của mỗi dự án sao cho cao nhất. Quan điểm hiện nay của ngành giao thông khi làm đường là chuyển dần định hướng từ việc có xe thì mới làm đường sang làm đường thì sẽ có xe.

Bộ Giao thông vận tải sẽ đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành ưu tiên nguồn lực cho các đoạn tuyến có sự phát triển nhanh chóng về lưu lượng, hay những đoạn tuyến 2 làn, 4 làn hạn chế để hoàn chỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, thứ tự ưu tiên các dự án căn cứ vào tính toán trên cơ sở hiệu quả, tăng năng lực vận tải, bảo đảm vấn đề về an toàn giao thông cùng một yếu tố khác đặc biệt quan trọng là dự án sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho địa phương, vùng đó…. Do vậy, việc phân kỳ đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc phải được tính toán phù hợp với từng thời kỳ, từng hoàn cảnh…

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương liên quan để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét dành nguồn lực cho đầu tư mở rộng, hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam theo quy hoạch.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Quang Toàn/TTXVN (Thực hiện)
Bất cập quy hoạch cao tốc - Bài 4: Chiến lược dài hạn và khung pháp lý
Bất cập quy hoạch cao tốc - Bài 4: Chiến lược dài hạn và khung pháp lý

Mạng lưới giao thông đường bộ của Nhật Bản được phát triển kể từ khi quốc gia này bắt đầu quá trình công nghiệp hóa vào cuối thế kỷ 19, đặc biệt là trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi đất nước này có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Cho đến nay, Nhật Bản nổi tiếng với mạng lưới đường bộ được đánh giá là thuận tiện bậc nhất thế giới, trong đó phải kể đến hệ thống đường cao tốc có độ dài hàng chục nghìn km trên khắp đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN