Bất cập quy hoạch cao tốc - Bài 3: Hệ lụy thi công

Nhiều tuyến đường, tuyến đê bị băm nát, sụt lún, nhà dân bị nứt, kênh mương nội đồng bị hư hỏng; nhà và đồng ruộng ngập do cống thoát nước bị lấp; đường bị chia cắt khiến người dân không thể đến đồng ruộng canh tác là hệ lụy sau khi xây dựng cao tốc Bắc-Nam, đoạn qua địa bàn Thanh Hóa. Mặc dù đã ký cam kết hoàn trả các tuyến đường giao thông bị hư hỏng nhưng đến nay bất cập trên chưa được Ban Quản lý dự án Thăng Long và Ban II (Bộ Giao thông vận tải) khắc phục.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà 3 tầng của chị Phạm Thị Hiền (Khu tái định cư thôn Kim Bôi, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) bị hư hỏng nặng nề do áp lực của máy lu lèn trong quá trình thi công cầu vượt cao tốc. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa, quá trình thi công cao tốc Bắc-Nam đã làm hư hỏng 92,17 km ở 28 tuyến đường địa phương phục vụ thi công dự án; trong đó, đường tỉnh là có 63,31 km/9 tuyến và đường do UBND các huyện, xã quản lý là 28,86 km/19 tuyến. Các tuyến đường kể trên bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường khu vực đã gây bức xúc cho người dân.

Có mặt tại tuyến Tỉnh lộ 508B đoạn từ Km24+980 – Km27 +730 (tuyến đường được Ban Quản lý dự án Thăng Long mượn để làm đường công vụ) thuộc địa bàn huyện Vĩnh Lộc, chúng tôi được chứng kiến, trên mặt đường nhiều đoạn bê tông mặt đường bị nứt vỡ, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà nên thường xuyên gây ra tai nạn giao thông. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do xe trọng tải lớn chở nguyên vật liệu thi công cao tốc gây ra.

Hay tại đoạn cao tốc từ Km309+800 - Km310+380 cắt qua tuyến đê bao cấp 5 Hón Bông (xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc) cũng chưa hoàn trả lại mặt đê, mái đê theo hiện trạng ban đầu. Hiện cao độ đê tại các vị trí hầm chui tiếp giáp với đường cao tốc đang thấp hơn so với mặt đê cũ. Vết sạt vào mái đê vẫn đang mở rộng thêm khiến người dân và chính quyền địa phương rất lo lắng mỗi khi có dự báo mưa, bão.

Ông Lê Anh Tiến, Hạt trưởng Hạt quản lý đê Vĩnh Lộc - Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tuyến đê bao Hón Bông là cao trình chống lũ của xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc và các xã lân cận của huyện Hà Trung. Hiện tuyến đê bị sạt lở khá nghiêm trọng, hai điểm giao cắt với cao tốc hiện thấp hơn từ 50cm đến 2m so với hiện trạng ban đầu. Chỉ cần nước sông Mã dâng lên báo động 2, nước sẽ tràn vào ảnh hưởng khoảng 100 ha đất nông nghiệp của xã Vĩnh An”.

Tại khu vực cầu Hà Giang bắc qua sông Hoạt (huyện Hà Trung), các ngành chức năng chưa hoàn thành gia cố mái taluy đê sông Hoạt; chưa gia cố hoàn trả đoạn kênh chính trạm bơm Cống Đập của hồ Bến Quân…. Ở các hầm chui dân sinh, phần đáy hầm quá thấp, chỉ một cơn mưa xuống là hầm bị ngập, nhân dân không đi lại được. Mưa to sẽ gây ngập úng đối với diện tích sản xuất nông nghiệp do không có kênh mương tiêu thoát nước…. Điều này gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của các hộ dân trên địa bàn 6 xã có đường cao tốc đi qua huyện Hà Trung. Người dân của huyện Hà Trung đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung cho biết, UBND huyện đã trực tiếp làm việc và gửi nhiều văn bản đề nghị Ban quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải), các nhà thầu và đơn vị thi công có liên quan sớm giải quyết những ảnh hưởng trong quá trình thi công đồng cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Hà Trung nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

Tại huyện Đông Sơn, cao tốc Bắc-Nam cắt ngang gây chia cắt nhiều tuyến đường liên thôn, hệ thống tưới tiêu nội đồng của nhân dân các thôn Tuyên Hóa, Bắc Giáp ở xã Đông Khê. Để đi đến đồng ruộng, các hộ dân phải trèo qua lan can đường đi đến ruộng nên rất nguy hiểm và thực trạng này đã khiến nhiều hộ dân đã phải bỏ ruộng từ 3 năm nay.

Còn tại xã Đông Thanh, cao tốc đi qua đã phá vỡ các hệ thống kênh mương, ảnh hưởng việc tưới tiêu và đường nội đồng đi lại sản xuất của bà con nhân dân. Diện tích bị ảnh hưởng khoảng 45 ha đất sản xuất. Quá trình thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua huyện Đông Sơn cũng lấp cống Tây ở xã Đông Thanh khiến 200 nhà dân ở đây bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Cống Tây bị tắc cũng khiến cánh đồng dọc cao tốc đoạn từ sông nhà Lê đến Quốc lộ 45 thường xuyên bị ngập nước khi mưa về. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án Thăng Long chưa hoàn trả lại những phần đường, mương tiêu bị hư hỏng.

Trong quá trình thi công cao tốc Bắc-Nam, đơn vị thi công đã sử dụng máy lu mặt đường, gây nên hiện tượng rạn nứt hàng trăm nhà dân dọc tuyến cao tốc. Đặc biệt tại huyện Đông Sơn có trên 400 nhà dân bị nứt, nhưng đến thời điểm hiện tại Ban Quản lý dự án Thăng Long mới đền bù khoảng 1/3 số nhà dân bị nứt.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến nay, các dự án thành phần thi công cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành đưa vào khai thác phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với những bất cập trong quá trình thi công, tỉnh đã đề nghị các ban quản lý dự án sớm bố trí nguồn vốn chi trả cho các nhà dân bị nứt để các hộ dân ổn định đời sống và sinh hoạt. Với các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp, tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, có ý kiến với hai ban quản lý dự án để làm cơ sở triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường các tuyến đường.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa với tổng chiều dài 98,8 km gồm 3 dự án thành phần: dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 chiều dài 49,02 km; dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chiều dài 43,28 km; dự án Nghi Sơn - Diễn Châu chiều dài 6,5 km.

Trong quá trình thi công nhà thầu gặp khó khăn về tài chính. Tổng mức đầu tư dự án cũng không bố trí nguồn kinh phí để hoàn trả đối với các tuyến đường phục vụ thi công. Các nhà thầu cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, giá vật liệu tăng cao. Ban quản lý dự án Thăng Long và Ban II đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh xem xét có kế hoạch sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường xuống cấp bằng nguồn kinh phí địa phương.

Bài 4: Chiến lược dài hạn và khung pháp lý

Duy Hưng - Hoa Mai (TTXVN)
Bất cập quy hoạch cao tốc - Bài cuối: Không chỉ tính đến hiệu quả ngắn hạn
Bất cập quy hoạch cao tốc - Bài cuối: Không chỉ tính đến hiệu quả ngắn hạn

Sau Ninh Bình, Thanh Hoá cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét trình cấp thẩm quyền đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phương vì lo quá tải sau khi vừa đưa vào khai thác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN