Thực trạng này do một số quy định còn bất cập. Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa nắm được chủ trương của Nhà nước.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho thấy, từ khi thực hiện chương trình đến nay mới gần 50 khách hàng được vay vốn. Dư nợ cho vay đến cuối tháng 2 năm 2017 đạt gần 22 tỷ đồng. Số khách hàng được vay theo Quyết định 68/2013/QĐ - TTg đa số là hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, hộ gia đình chiếm số lượng thấp.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho rằng, trên thực tế, nhu cầu vay vốn để mua máy, trang bị phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Số khách hàng được vay nêu trên quá thấp, chưa tương xứng.
Điều này do danh mục các loại máy, thiết bị mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra để được vay ưu đãi còn ít, yêu cầu máy phải đồng bộ, hiện đại. Trong khi đó người dân cần trang bị máy giá trị không quá lớn; nhiều nông dân vẫn chưa hiểu rõ về chương trình. Một số ngân hàng thương mại chưa tích cực tham gia cho vay vì Bộ Tài chính chậm quyết toán tiền hỗ trợ lãi suất.
Để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận chính sách cho vay giảm tổn thất trong nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn.
Kiến nghị Bộ Tài chính sớm cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại khi tham gia cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp . Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bổ sung thêm danh mục các loại máy được vay như: máy gặt đập, xe tải có tải trọng từ 1,5 - 2 tấn. Đồng thời, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh giúp hộ gia đình làm nông nghiệp nắm chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước.