Tại hội nghị “Định hướng về công tác BVTV trong tình hình mới" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 15/5, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, công tác BVTV có nhiều chuyến biến tích cực, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ, tăng năng suất sản phẩm trồng trọt, lương thực.
Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV thời gian qua đang làm tăng giá thành sản phẩm nông sản, tác động không nhỏ tới môi trường. Trước thách thức của biến đổi khí hậu, nguy cơ làm gia tăng dịch bệnh đối với cây trồng. Do vậy, đòi hỏi công tác BVTV phải có sự thay đổi, nhằm đáp ứng yêu cầu hạn chế, khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, đồng thời, bảo vệ tốt môi trường.
Trải qua gần 60 năm hình thành phát triển, hệ thống ngành BVTV đã bảo vệ tốt năng suất cây trồng, ngăn chặn các dịch hại trên cây trồng, góp phần đưa nền nông nghiệp đất nước vốn thiếu lương thực trầm trọng trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu, với tổng giá trị 36,2 tỷ USD năm 2017, riêng ngành Trồng trọt chiếm tới hơn 20 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu.
Để làm điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trong thời gian tới, ngành Trồng trọt cần hướng tới giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Định hướng về công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới”. Ảnh:V.H |
Về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong thời gian qua, ngành BVTV cũng tập trung xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường để triển khai, nhân rộng đến nông dân, cụ thể như: Chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và mô hình “công nghệ sinh thái”... được nhiều tỉnh triển khai trên gần 2 triệu ha/năm từ nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau. Năm 2017 tổ chức được 1.123 lớp tập huấn và triển khai các mô hình thu hút khoảng 87.000 lượt nông dân tham gia. Chương trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) vẫn tiếp tục được nhân rộng với diện tích gần 700.000 ha, đã mở gần 700 lớp huấn luyện nông dân và có khoảng 1,5 triệu nông dân ứng dụng. Chương trình gieo sạ né rầy triển khai tại hầu hết các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam bộ, hướng dẫn nông dân xuống giống trên diện tích gieo cấy khoảng 3,2 triệu ha/3 vụ/năm.
Tuy nhiên, trong tình hình mới, có một số yếu tố đã và đang phát sinh, ảnh hưởng đến hoạt động của ngành BVTV, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng rõ nét. Hạn hán, lũ lụt, mưa trái mùa, mùa đông ấm, rét đậm kéo dài… tác động mạnh mẽ đến sản xuất trồng trọt, không những làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây trồng, mà còn làm bùng phát nhiều sinh vật gây hại (SVGH) mới hoặc thay đổi quy luật phát sinh gây hại của SVGH.
Điển hình như các bệnh lùn sọc đen, vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa, chổi rồng nhãn, đốm nâu hại thanh long, rệp sáp bột hồng và khảm lá sắn, sâu đục thân mía loài mới, chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu, châu chấu tre lưng vàng gây hại trên tre luồng mới xuất hiện... Để diệt sâu bệnh, một bộ phận lớn bà con nông dân đã lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ. Tình trạng này ang diễn ra ở nhiều địa phương.
Xu hướng sản xuất sạchTrước xu thế và nhu cầu về sản xuất sạch, bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, công tác quản lý vật tư nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Cục BVTV đang đứng trước rất nhiều thách thức.
Thách thức thứ nhất theo ông Hoàng Trung là phải có một danh mục thuốc BVTV thực sự hiệu quả, an toàn và thân thiên với môi trường. Để làm được điều này, nhiệm vụ trước mắt là phải quản lý chặt đầu vào khảo nghiệm và loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu và các căn cứ khoa học liên quan đến vấn đề này còn thiếu rất nhiều. Vì vậy, việc loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi danh mục gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, số lượng thuốc BVTV trong danh mục hiện nay còn đang mất cân đối, chủ yếu là thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, các đối tượng cây trồng khác chưa được tập trung phát triển.
Thứ hai, số lượng nhà máy sản xuất (735 nhà máy), cũng như sản phẩm phân bón (gần 20.000 sản phẩm) đang rất lớn và mất cân đối, chủ yếu là phân bón vô cơ. Bên cạnh đó, hiện tại đang còn khoảng hơn 200 chỉ tiêu chất lượng, bao gồm cả vi sinh và hóa lý đã được công bố trong các sản phẩm phân bón, nhưng không có phương pháp thử được phê duyệt trong nước đã tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước.