Bảo đảm nước vụ Xuân cho Hà Nội - Bài 1: Hệ lụy của việc lòng sông bị hạ thấp

Trong 10 năm liên tiếp, Hà Nội luôn là địa phương cuối cùng trong cả nước hoàn thành việc cấp nước sản xuất vụ Xuân. Ngoài tác động của tự nhiên, biến động lòng dẫn sông Hồng còn do chính hoạt động sản xuất của con người gây ra.

Một trong những nguyên nhân chính là do khai thác cát dẫn đến hạ thấp lòng sông làm mực nước không đủ cao trình như thiết kế, khiến các trạm bơm "treo" máy. Để giải bài toán này, Hà Nội đã triển khai và đề xuất nhiều giải pháp có tính khẩn cấp và lâu dài. 

Chú thích ảnh
Mực nước không đủ cao trình như thiết kế, khiến trạm bơm Phương Trung (Thanh Oai) "treo" máy. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Nhiều trạm bơm "treo" máy 

Những năm gần đây, tốc độ hạ thấp lòng dẫn sông Hồng ngày càng nghiêm trọng. Thực tế này đã khiến hàng loạt công trình thủy lợi không thể vận hành, đe dọa ổn định hệ thống bảo vệ đê điều, giảm hiệu quả sử dụng tài nguyên nước…

Nằm trên tuyến đê Vân Cốc, thuộc địa phận xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ), cống Cẩm Đình được khởi công xây dựng năm 2002 và hoàn thành vào năm 2004. Cống được thiết kế 2 khoang lấy nước và 1 khoang thông thuyền. Hai cửa khoang lấy nước được thiết kế tầng dưới để lấy nước vào mùa kiệt; tầng trên để lấy nước vào mùa lũ… Cống có nhiệm vụ chủ động đưa nước từ sông Hồng qua kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận tiếp nguồn cho lưu vực sông Đáy trong mùa kiệt (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau), với lưu lượng 36,24m3/s; đưa nước thường xuyên trong mùa lũ (từ tháng 6 đến tháng 10) với lưu lượng 70 m3/s, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình trong lưu vực sông Đáy…

Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Quản lý công trình phân lũ sông Đáy (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), trong 4 năm gần đây, trung bình số ngày cống Cẩm Đình hoạt động đúng thiết kế chỉ đạt 137 ngày/năm; trong đó có 30 ngày vào mùa kiệt, 107 ngày vào mùa lũ…

Cụ thể, mùa kiệt năm 2016, cống Cẩm Đình không thể hoạt động do mực nước sông Hồng thấp hơn đáy cống; còn mùa lũ, cống Cẩm Đình chỉ có 19 ngày đủ nước để hoạt động nhưng lưu lượng cao nhất chỉ đạt 35,9 m3/s. Năm 2017, mùa kiệt có 13 ngày nước sông Hồng đi qua cống, lưu lượng cao nhất đạt 22,3 m3/s; mùa lũ có 39 ngày, lưu lượng cao nhất là 68,2 m3/s. Mùa mưa lũ năm 2018, cống Cẩm Đình có 32 ngày hoạt động, lưu lượng cao nhất là 43,3 m3/s... 

Do thiếu hụt nguồn cấp nên nhiều công trình lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của 5 tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Đáy bị “treo”; một số dòng sông trong lưu vực bị ô nhiễm…

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có nhiều nguyên nhân khiến cống Cẩm Đình không thể cấp nguồn cho sông Đáy đúng lưu lượng thiết kế bởi cống Cẩm Đình được xây dựng từ nhiều năm trước. Khi đó, trên sông Hồng chưa xuất hiện hiện tượng hạ thấp mực nước và cống Cẩm Đình được thiết kế lấy nước ở cao trình 3m.

Tuy nhiên, do tác động của việc phát triển thượng nguồn sông Hồng - Thái Bình, khai thác cát lòng sông… đã xuất hiện hiện tượng hạ thấp mực nước sông Hồng và lòng dẫn phía hạ lưu cống bị bồi lắng khiến tốc độ lưu thoát dòng chảy suy giảm… 

Ông Đào Quang Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, cho biết, Hà Nội có gần 92.000 ha diện tích sản xuất vụ Xuân và là địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội lại không bằng phẳng, nhiều làn ruộng cao, thấp. Đặc biệt, Hà Nội có hơn 65% diện tích gieo cấy phụ thuộc vào nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống.

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, mực nước sông Hồng liên tục bị hạ thấp khiến nhiều công trình lấy nước của Hà Nội như các trạm bơm chính: Phù Sa, Ấp Bắc, Thanh Điềm, Đan Hoài… và các cống Liên Mạc, Cẩm Đình, Long Tửu, Xuân Quan không thể vận hành, hoặc vận hành nhưng không đủ công suất thiết kế, phải lắp đặt 67 trạm bơm dã chiến, với 222 máy bơm các loại, dẫn đến thời gian lấy nước kéo dài.

Trạm bơm Phù Sa có 4 tổ máy bơm, công suất 10.080 m3/h, làm nhiệm vụ tiếp nguồn sông Hồng ở mực nước 5,2m, cấp nước tưới cho hơn 6.000 ha của các huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai.

Theo ông Ngô Thanh Minh, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích), trong cả 3 đợt xả nước hồ thủy điện phục vụ sản xuất vụ Xuân 2019, mực nước sông Hồng cao nhất tại đây chỉ đạt 4,15m trong 1 ngày (20/1) và 4,26m trong 2 ngày (2 và 3/2)... Do mực nước thấp nên trạm bơm chính không thể hoạt động, vì vậy, việc cấp nước cho hệ Phù Sa vụ Xuân năm nay phụ thuộc hoàn toàn trạm bơm dã chiến…

Nhiều sự cố sạt lở

Mặc dù rất cần tích nước để phát điện trong mùa kiệt nhưng 10 năm qua, các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà luôn phải xả bổ sung nguồn nước cho sông Hồng, phục vụ 12 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lấy nước sản xuất nông nghiệp, với khối lượng xả ngày càng lớn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho rằng, việc xả nước hồ thủy điện đang tạo ra áp lực cho địa phương trong việc bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống chân kè sông Hồng, sông Đà… Thực tế những năm qua, do xả nước nên mực nước sông Hồng lên nhanh và rút nhanh đã gây ra nhiều sự cố sạt lở bờ sông, chân kè…

Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), so với 7 năm trước, mực nước tại cửa lấy nước Trạm bơm Phù Sa bị hạ thấp khoảng 0,8m, cống Liên Mạc khoảng 0,3m, cống Long Tửu khoảng 0,5m… Đặc biệt, trong vụ Xuân năm nay, mặc dù mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Long Biên đạt 2,2m nhưng các trạm bơm chính Phù Sa, Thanh Điềm, Sơn Đà, Trung Hà… của Hà Nội không thể vận hành. 

GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến hạ thấp mực nước sông Hồng là do tình hình khai thác cát không được kiểm soát, lòng dẫn bị đào rộng. Trong 10 năm qua, đáy sông Hồng đoạn từ Việt Trì về xuôi, nhất là đoạn qua Hà Nội bị bào xói trên dưới 4m; cửa sông Đuống bị xói sâu khoảng 10m… Vì vậy, khi hồ thủy điện xả bổ sung cần khối lượng lớn nước để tạo nước đệm cho đáy sông. Bên cạnh đó, tỷ lệ phân lưu từ sông Hồng vào sông Đuống ngày càng lớn tới mức xấp xỉ 50% khiến mực nước vùng hạ du sông Hồng suy giảm lớn hơn…

Theo kết quả khảo sát của Viện Quy hoạch Thủy lợi Việt Nam, những năm gần đây, lòng dẫn sông Hồng, sông Lô, sông Đuống đang bị xói sâu và mở rộng mặt cắt ướt ở nhiều đoạn. Trên sông Lô, đáy sông bị hạ thấp 6-8m so với địa hình năm 2000, thậm chí có vị trí bị hạ thấp 9-12m. Trên sông Đuống, cao độ đáy sông hạ thấp 4-6m. Còn trên sông Hồng, tại vị trí trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), đáy sông bị hạ thấp đến 5m... 

Do lòng sông bị hạ thấp để đảm bảo các công trình thủy lợi lấy đủ nước, buộc các nhà máy thủy điện phải xả nước bổ sung với khối lượng ngày càng lớn và cũng rút đi nhanh nên gây ra xói lở bờ sông, chân đê... làm ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Để giải quyết bài toán này, Hà Nội cần tìm giải pháp căn bản để nâng cao đáy sông chống xói mòn, sạt lở bờ sông, chân đê và đảm bảo cao trình nước như thiết kế cho các công trình thủy lợi lấy đủ nước phục vụ sản xuất.
 
Bài 2: Nhiều kịch bản nâng đáy sông  

Nam Giang (TTXVN)
Hà Nội vẫn còn một số diện tích chân ruộng cao chưa đủ nước 
Hà Nội vẫn còn một số diện tích chân ruộng cao chưa đủ nước 

Ngày 15/2, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch Thường trực thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu kiểm tra tiến độ cấp nước, gieo cấy lúa xuân của thành phố tại huyện Mê Linh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN