Đảm bảo cấp đủ nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân

Hiện nay, diện tích đủ nước khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đạt trên 93% kế hoạch, ở mức cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định điều chỉnh lịch lấy nước đợt 3 để tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ thủy điện. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc chia sẻ với phóng viên TTXVN về sự quyết liệt lấy nước trước sự điều chỉnh trong đợt 3 này. 

Chú thích ảnh
Đảm bảo cấp đủ nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân. Ảnh: TTXVN

Qua hai đợt xả nước, ông đánh giá thế nào về việc lấy nước tại các địa phương?

Qua kiểm tra công tác lấy nước, chúng tôi đánh giá các địa phương năm nay rất tích cực, chủ động. Ngoài việc chủ động trong chỉ đạo điều hành, các địa phương đã chủ động bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng các trạm bơm như: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… Nhiều nơi đã không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước xả từ hồ chứa thủy điện nhưng vẫn lấy được nước cho gieo cấy.

Năm nay, điều kiện thời tiết, lấy nước không thuận lợi nhưng việc lấy nước đạt hiệu quả cao hơn so với những năm trước. Trước khi lấy nước đợt 3, tỷ lệ lấy nước để gieo cấy toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đạt trên 93%.

Qua kiểm tra sau hai đợt lấy nước, chúng tôi đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như với các địa phương còn gặp khó khăn trong việc lấy nước. Chúng tôi thống nhất điều chỉnh thời gian lấy nước đợt 3. Lịch điều chỉnh lấy nước đợt 3 từ 0 giờ ngày 15/2 đến 24 giờ ngày 16/2 sẽ duy trì tối đa công suất phát điện của các nhà máy thủy điện để bổ sung nước cho hạ du. Trong 6 ngày còn lại là từ 0 giờ ngày 17/2 đến 24 giờ ngày 22/2 sẽ duy trì mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Sơn Tây ở mức + 2,5m.

Với lịch điều chỉnh như vậy, ông có khuyến cáo gì với các địa phương, nhất là một số nơi như của Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc còn gặp khó khăn về nguồn nước?

Qua điều chỉnh như vậy, các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch lấy nước, có giải pháp cụ thể để bảo đảm cấp đủ nước cho các diện tích gieo cấy theo kế hoạch. 

Các địa phương cần rà soát tổng thể các diện tích, đặc biệt ở những vùng rất khó khăn về nguồn nước để đảm bảo cấp nước 100% cho nhân dân gieo cấy. Đối với những vùng quá khó khăn về nguồn nước cần rất quyết liệt trong việc điều chỉnh từ cấy lúa sang cây trồng khác. Giải pháp chính là chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tránh tình trạng "lẽo đẽo" lấy nước.

Các đơn vị tiếp tục tăng cường vận hành các công trình thủy lợi lấy nước đợt 3 để đảm bảo gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất. Khi nguồn nước về phải tích cực lấy nước, đưa nước lên các ruộng. Đồng thời, tích trữ nước trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, tổng lượng mưa mùa khô thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25%. Nhiệt độ trung bình có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Năm 2019 được dự báo là năm hạn hán.

Do vậy, các địa phương cần phải chủ động tích nước vào các kênh mương và các vùng trũng dành cho tưới dưỡng trong thời gian tới. 

Ông đánh giá thế nào về việc xả nước của ngành điện trong các đợt xả nước cũng như là bài học kinh nghiệm rút ra trong việc lấy nước?

Chúng tôi đánh giá, năm nay là năm khó khăn nhưng ngành điện đã có sự phối hợp rất tốt với ngành nông nghiệp cũng như với các địa phương để cấp nước. Với sự chủ động của các đơn vị, thời gian qua, các công trình thủy lợi đều lấy nước rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành điện cũng đã đảm bảo các trạm bơm đều có điện để phục vụ tốt nhất cho việc lấy nước.

Qua việc chỉ đạo lấy nước năm nay, chúng tôi thấy việc quan trọng đầu tiên là phải xây dựng kế hoạch lấy nước hợp lý. Để tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện, các đợt xả nước phải trùng với kỳ triều cường. Mặt khác, phải tránh kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ưu tiên lịch lấy nước thuận lợi hơn cho các địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước, có nhiều công trình lấy nước bằng động lực, thời gian lấy nước dài hơn như Hà Nội, Bắc Ninh…

Một số địa phương thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước đã đầu tư xây dựng các trạm bơm tưới có khả năng vận hành không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội; xây dựng các trạm bơm cột nước thấp để bơm trữ nước trong hệ thống kênh mương như Hưng Yên.  

Cùng với đó là phải có sự chỉ đạo, phối hợp của các địa phương, các cấp tốt. Chúng tôi cũng đánh giá rất cao việc các địa phương chủ động, tích cực lấy nước kể cả trước các đợt xả. Chỉ cần có nguồn nước là các đơn vị sẵn sàng lấy nước.

Xin cảm ơn ông!

Bích Hồng (TTXVN)
Nhiều giải pháp thực hiện gieo cấy đúng khung lịch thời vụ
Nhiều giải pháp thực hiện gieo cấy đúng khung lịch thời vụ

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái tích cực xuống đồng sản xuất vụ Đông Xuân, bảo đảm đúng khung lịch thời vụ để đạt năng suất cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN