Bàn giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới

Dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản vẫn đang diễn biến phức tạp.Thị trường xuất khẩu thủy sản cũng đã có nhiều thay đổi, nếu sản xuất không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì không đảm bảo xuất khẩu...

Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 26/4 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chăn nuôi và thủy sản là hai lĩnh vực sản xuất quan trọng của ngành nông nghiệp. Trước bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi, hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu... đòi hỏi hai lĩnh vực này cần phân tích tình hình, triển khai nhiều giải pháp cụ thể để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Chú thích ảnh
Năm 2021, Bình Định có khoảng 2.100 ha nuôi tôm nước lợ, trong đó có 13 ha nuôi tôm theo công nghệ mới, chất lượng cao. Ảnh minh họa: Nguyên Linh/TTXVN

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản vẫn đang diễn biến phức tạp. Dịch tả lợn châu Phi hiện đang ở quy mô nhỏ lẻ nhưng diễn biến rất khó lường, dịch cúm H5N6 tác động đến chăn nuôi gia cầm… nếu không có các giải pháp kịp thời chăn nuôi sẽ rơi vào tình trạng rất khó khăn. Thị trường xuất khẩu thủy sản hiện đã có nhiều thay đổi, nếu sản xuất không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì không đảm bảo xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản cần phải xử lý các vấn đề lớn như: dịch bệnh, tác động của thời tiết khí hậu để đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng các lĩnh vực nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung. 

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại và các bệnh mới nổi, như viêm da nổi cục trâu, bò... gây phát sinh tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, tăng trưởng chăn nuôi. Vấn đề ô nhiễm môi trường và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao ngày càng gia tăng chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua các Hiệp định thương mại tư do thế hệ mới sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh về giá, chất lượng và đa dạng sản phẩm sẽ tăng lên khi sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam. 

Ngoài ra, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó có lĩnh vực chăn nuôi là thách thức nhưng cũng là cơ hội phát ngành chăn nuôi Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, thời gian tới, ngành chăn nuôi sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật giống, thức ăn chăn nuôi, môi trường và điều kiện chăn nuôi; đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia ngành chăn nuôi, mã định danh quốc gia cho các cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi và hướng dẫn các địa phương triển khai thi hành Luật Chăn nuôi. 

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển giai đoạn 2026-2030 phù hợp với khung Chiến lược chăn nuôi toàn ngành và định hướng kinh tế - xã hội của từng địa phương, thời gian hoàn thành trong quý II/2021. Đồng thời căn cứ vào điều kiện thực tế, nguồn lực của địa phương, khối tư nhân… các địa phương chủ động xây dựng chương trình/nhiệm vụ cụ thể dự kiến nhằm thực hiện các nội dung trong Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Về thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, những khó khăn chính mà lĩnh vực thủy sản đang gặp phải là hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới.  

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương, cá song… cũng giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng. 

Cũng như chăn nuôi, thủy sản bị ảnh hưởng nặng bởi giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm. 

Năm 2021, thủy sản vẫn giữ ổn định mục tiêu 1,3 triệu ha nuôi trồng thủy sản, nhưng sản lượng đạt 4,75 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm 2020.

Để đạt kết quả trên, ông Trần Đình Luân cho biết, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận với nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng.

Tổng cục Thủy sản phối hợp địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản. Đơn vị tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có). 

Các địa phương tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đồng thời phục vụ cho chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững. 

Ông Trần Đình Luân cũng cho biết, Tổng cục Thủy sản tiếp tục tích cực phối hợp với các đơn vị xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới cho tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tổ chức nắm bắt, phân tích, dự báo tốt thị trường để kịp thời điều tiết sản xuất trong nước.

Bích Hồng (TTXVN)
Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, vì sao?
Giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao, vì sao?

Giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua liên tục tăng cao với nhiều đợt, trung bình mỗi đợt tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/bao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN