Với ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa từ bao đời nay là ngư trường truyền thống. Nhiều ngư dân khi vươn khơi đã chọn vùng biển này làm nơi mưu sinh chính của mình. Bằng tình yêu biển, một lòng quyết tâm bám giữ ngư trường truyền thống ở vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều ngư dân Quảng Ngãi đã giàu lên từ nghề đi biển. Trong năm mới 2015, ngư dân vẫn quyết tâm bám ngư trường truyền thống này để làm giàu, đồng thời góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.Năm 2015, ngư dân vẫn quyết tâm bám ngư trường truyền thống này để làm giàu, đồng thời góp phần bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. |
Năm nay, gia đình ngư dân Trần Quận, thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) lại đón thêm một cái Tết cổ truyền trong no ấm, sum vầy. Hơn chục năm bám biển và lựa chọn ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa làm nơi mưu sinh trên biển, gia đình anh Quận đã có một cuộc sống khấm khá. Ngư trường truyền thống này đã không phụ lòng những ngư dân như anh khi mỗi chuyến vươn khơi liên tục bội thu. "Lộc biển" từ Hoàng Sa, Trường Sa đã mang tới sự sung túc cho gia đình anh.
Ngư dân Trần Quận cho biết: Đi khai thác hải sản ở Hoàng Sa và Trường Sa, anh luôn phấn đấu để làm giàu từ ngư trường này. Mấy năm nay đi đánh bắt ở đây cũng được nhiều tôm cá nên anh càng quyết tâm bám biển hơn. Năm 2014 vừa qua, sau khi trừ chi phí, anh thu về gần 3 tỷ đồng. Anh Quận tin rằng không chỉ có anh mà tất cả các ngư dân khác cũng sẽ tiếp tục gắn bó với Hoàng Sa, Trường Sa.
Đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hiền ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, chúng tôi được biết anh có 3 con tàu công suất lớn sắp sửa hạ thủy. Bám giữ ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đã giúp anh Hiền giàu lên từ biển. Từ chỗ chỉ có một chiếc tàu công suất nhỏ, sau nhiều năm làm ăn và tích góp trong từng chuyến biển trên ngư trường truyền thống, ngư dân Hiền đã có vốn liếng. Anh đã mạnh dạn đóng mới cùng lúc 3 chiếc tàu cá công suất đều trên 500 mã lực với tổng trị giá hơn 8 tỷ đồng để chuẩn bị vươn ra Hoàng Sa, Trường Sa trong mùa biển mới 2015. Anh Hiền cho biết, anh đóng tàu công suất lớn hơn để đi Hoàng Sa và Trường Sa làm nghề mành chụp. Tàu công suất lớn giúp ngư dân bám biển dài ngày hơn, khai thác được nhiều tôm cá, cho thu nhập cao hơn.
Năm 2014 vừa qua, tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hành nghề của ngư dân. Thế nhưng, không vì thế mà tinh thần ngư dân bị giảm sút. Để chống chọi với thiên tai, địch họa giữa trùng khơi, với những chiếc thuyền đóng mới, ngư dân đều bọc thép ở những bộ phận quan trọng để chiếc thuyền trở nên cứng cáp và vững chãi hơn trước sóng to, gió lớn. Đó cũng là một trong những nét thể hiện tinh thần gan dạ, dũng cảm và sự can trường của ngư dân Quảng Ngãi.
Ngư dân Nguyễn Thanh Hoa, ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, cho biết: Đối với dân biển thì ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa đã cho gia đình họ cuộc sống khá giả. Vậy nên chỉ trừ những lúc thời tiết không cho phép, ngư dân không thể vươn khơi, còn không kẻ thù nào có thể ngăn cản ngư dân vươn khơi, bám biển làm giàu được.
Ngư dân Quảng Ngãi đã và đang từng ngày làm giàu từ ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Một mùa xuân lại về, trong khí thế của mùa xuân mới, ngư dân Quảng Ngãi vững tin chuẩn bị cho một mùa biển mới với hy vọng khai thác được nhiều tôm, cá.
Đinh Thị Hương