Bài cuối: Bao giờ điệp khúc "giải cứu" nông sản mới chấm dứt

Nông sản được mùa mất giá, ế thừa và liên tục phải “giải cứu” là vấn đề hoàn toàn không mới ở Việt Nam. Nhưng khi nào điệp khúc này kết thúc lại là câu hỏi khó đối với các cơ quan hoạch định chính sách và chính những người nông dân.

Thiếu thông tin thị trường

Theo các chuyên gia nông nghiệp, cách hỗ trợ nông dân của nhà nước hiện nay vẫn “nặng” về tăng năng suất, tăng sản lượng. Trong khi đó, điều mà người nông dân cần nhất là thông tin thị trường, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, mở cửa các thị trường.

TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tình trạng được mùa mất giá như hiện nay là do cung vượt cầu. Bà con chưa sản xuất theo tín hiệu thị trường. Do đó, việc dư thừa là đương nhiên. Nhưng điều đáng nói hơn là năng lực dự báo sản xuất, dự báo thị trường của Việt Nam rất yếu và thiếu.

Theo ông Sơn, hầu hết các quốc gia đều có cơ quan trinh sát thị trường, cập nhật thông tin thường xuyên. Nhiều nước thậm chí còn xây dựng bản đồ, số hóa thông tin để đưa đến cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, nông dân có thể biết rõ cung cầu, xu hướng… Dựa trên những thông tin này, nông dân sẽ tự điều chỉnh sản xuất. Tuy nhiên, những vấn đề này ở Việt Nam còn thiếu và thẳng thắn thừa nhận là chưa có đơn vị nào làm tốt công việc này.

Nhiều gia trại chăn nuôi lợn đã phải "treo chuồng" sau "cơn bão" thịt lợn vì thiếu thông tin thị trường.

Nông dân cần nhà nước nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin định hướng, tiêu chuẩn, chính sách ở các thị trường, kênh phân phối tiêu thụ của các nước…. “Vì điều đó vượt ra ngoài năng lực và khả năng của nông dân. Hệ thống quản lý của Nhà nước cần có động lực mới, chuyển từ cách thức điều hành sản xuất theo kiểu kinh tế kế hoạch trước đây, nặng về làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ… sang điều hành thích ứng với kinh tế thị trường”, ông Đặng Kim Sơn nói thêm.

Bên cạnh đó, từ những vụ “giải cứu” nông sản cũng cho thấy, nông dân chưa hiểu kỹ về cơ chế thị trường và thiếu tổ chức để hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.

TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – cây thực phẩm lấy ví dụ, thị trường tiêu thụ chuối của Trung Quốc phát triển nhanh từ năm 2011, nhưng chủ yếu ở phân khúc chuối chất lượng cao, có tiêu chuẩn rõ ràng. Nếu trong nước không đủ, họ nhập từ Philippine sau đó mới mua thêm từ các  nước ngoài.

“Vì nông dân không xác định được nhu cầu chuối của thị trường Trung Quốc, nên đã trồng quá nhiều. Đến khi họ dừng thu mua, nông dân không có đầu ra thay thế nên đã ‘không kịp trở tay’. Hơn nữa, trong sự việc này, cũng không có đơn vị nào tư vấn cho người nông dân ngay từ đầu”, TS Đào Thế Ánh nói.

Để giảm thiểu rủi ro từ thị trường, ông Đào Thế Anh cho rằng, dứt khoát phải tăng cường vai trò của các hiệp hội là đại diện quyền lợi cho nông dân. Lúc đó mới bàn tới quy hoạch, nghiên cứu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng.

Trong cơn bão giá lợn vừa qua cũng bộ lộ những “lỗ hổng” về quản lý thị trường, giá lợn hơi “tụt dốc” nhưng giá bán trên thị trường không giảm nhiều. “Hiện lợi nhuận đang dành quá nhiều cho thương lái, tiểu thương. Hiệp hội có thể dàn xếp được với các khâu trung gian, đưa ra mức lợi ích tối thiểu cho người nông dân. Đồng thời, hiệp hội sẽ xác định lại được phân khúc thị trường, tự dàn xếp với nhau trước biến động thị trường”, ông Đào Thế Anh nói thêm.

Khi đó, Nhà nước chỉ đóng vai trò tạo ra “sân chơi” và tư vấn, đưa ra những chính sách để hỗ trợ, đào tạo, tăng cường nhân lực, thực hiện các nghiên cứu thị trường hoặc tăng cường hiệu quả của các cơ quan giám sát, kiểm định chứ không phải đi  “giải cứu” nông sản.

 Không quy hoạch cứng nhắc

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT).

Trước thịt lợn, hầu hết các loại nông sản được giải cứu đều nằm trong lĩnh vực trồng trọt như: dưa hấu, hành tím, thanh long…từ những vụ việc này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT) cho biết, Cục sẽ linh hoạt điều chỉnh quy hoạch theo tín hiệu thị trường. Cục cũng đã đề xuất với nhà nước không cứng nhắc trong việc thực hiện phê duyệt quy hoạch. Khi tín hiệu thị trường tốt, phải  nhanh chóng tuyên truyền xuống địa phương, để địa phương biết và điều chỉnh quy hoạch.

Theo ông Sơn, vấn đề thứ hai là thông tin thị trường kịp thời, để địa phương xác định tăng hoặc giảm quy mô sản xuất, hướng dẫn nông dân phù hợp. Thứ ba, xác định trục sản phẩm chủ lực, vùng được quy hoạch, để các địa phương điều chỉnh lại sản xuất. Sản phẩm vùng là những sản phẩm nào, trồng ở đâu. Tiếp đến là quy hoạch các sản phẩm của tỉnh, địa phương, phục vụ nhu cầu nội địa hay xuất khẩu.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt xác định các sản phẩm chủ lực quốc gia, quy hoạch cụ thể, từ đó nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ.

Theo ông Sơn, công tác quy hoạch này không khác nhiều so với trước đây, nhưng sẽ là căn cứ để địa phương xác định lại sản phẩm, trồng xuất khẩu thì phải bám theo tín hiệu thị trường xuất khẩu… tránh tình trạng cứ "nhao nhao" cùng trồng rồi lại cùng chặt cây.

Đặc biệt, khi có các sản phẩm chủ lực, “Tạo ra các sản phẩm cao cấp bắt buộc phải có hợp đồng để giảm thiểu rủi ro về thị trường cho nông dân. Lúc đó, thương lái Trung Quốc mua mà không có hợp đồng cũng không nên bán”, TS Đào Thế Anh Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – cây thực phẩm nói.

Về lĩnh vực chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ  NN&PTNT) nhận ra rằng, những người chăn nuôi theo phong trào là những hộ này lúc nào cũng chịu thiệt thòi nhiều nhất và sức ép lớn nhất.

ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).

Để giúp đỡ những hộ chăn nuôi này, “Cục Chăn nuôi sẽ đặc biệt chú ý tới chính sách dành cho nhóm chăn nuôi tự phát, hướng dẫn họ, giúp họ tham gia vào các hiệp hội, chuỗi sản xuất, gắn nông dân với doanh nghiệp, với thị trường...”, ông Vân cho biết.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ bài toán thị trường cho thịt lợn cũng như nhiều mặt hàng khác của nông nghiệp Việt Nam thì cần có sự phối hợp đồng bộ. “Vì bản thân ngành nông nghiệp không thể buôn bán ngoài thị trường. Chúng tôi chỉ là đơn vị quản lý hành chính, kỹ thuật.”, ông Vân nói thêm.

Để chấm dứt điệp khúc giải cứu nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các địa phương cần phải quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch sản xuất mà Bộ đã đề ra theo Đề án tái cơ cấu ngành. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý quy hoạch. Tránh tình trạng, phá vỡ quy hoạch, không kiểm soát được.

Đặc biệt, theo ông Nam, các địa phương cần đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Các lĩnh vực cần tổ chức theo mô hình hợp tác xã, từ đó điều phối được thị trường. Bởi người nông dân không đủ sức và không có thông tin thị trường. Thông qua các hợp tác xã này, người dân sẽ có được thông tin về thị trường cần gì, cần bao nhiêu, từ đó tổ chức sản xuất.

Hy vọng, từ những vụ “giải cứu” nông sản trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ rút ra được những bài học bổ ích. Để không chỉ lợn, mà các loại nông sản khác không còn rơi vào tình trạng liên tục phải nhờ các cấp chính quyền và toàn xã hội phải chung tay “giải cứu”.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Trước đây, chỉ có nông dân và Nhà nước làm nông nghiệp nên tình trạng giải cứu liên tục xảy ra. Hiện nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm, đầu tư vào nông nghiệp và đây sẽ là một lực lượng quan trọng ‘giải cứu’ nông sản. Do vậy, phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, từ đó ngành nông nghiệp mới phát triển tốt được.



Bài và ảnh: Hữu Vinh
Bài 3: Đương đầu với 'bão' giá lợn
Bài 3: Đương đầu với 'bão' giá lợn

“Cơn bão” giảm giá đi qua đã cuốn theo rất nhiều tài sản và những khoản tiết kiệm của hàng triệu hộ chăn nuôi lợn... nhưng với cách làm riêng, một số trang trại đã chèo chống để thoát khỏi "cơn bão" này, như những ví dụ đáng để người chăn nuôi tham khảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN