"Giá lợn giảm mạnh trong khoảng 2 tháng trở lại đây, theo tính toán của chúng tôi, đến hết tháng 6/2017 tổng thu của ngành lợn sẽ bị giảm khoảng 10.000 tỷ đồng” - ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Tăng đàn ồ ạt, thiếu kiểm soát“Khi thấy giá lợn hơi tăng lên 56.000 đồng/kg, nhà nhà người người đổ xô đi nuôi lợn nên chúng tôi cũng đầu tư thêm 1 tỷ đồng để mở rộng chuồng trại, tăng quy mô đàn nhưng thật không ngờ sau đó giá lợn lại xuống dốc không phanh như vừa qua.”, anh Lê Huy Mạnh, đội 12, xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Văn phòng Quốc hội: Trung Quốc là thị trường lớn nhưng cũng khá rủi ro. Cuối năm ngoái, khi Trung Quốc phát tin về việc dừng nhập thịt lợn, ngay lúc đó chúng tôi đã hình dung ra xuất khẩu tiểu ngạch thịt lợn qua Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu chúng ta có biện pháp, cảnh báo quyết liệt thì sẽ giảm được nhiều rủi ro.
|
Hệ quả tất yếu của việc chăn nuôi theo phong trào là dư thừa nguồn cung và giá rớt thảm hại. Giờ đây, gia đình anh đang gánh số nợ hơn 2 tỷ đồng vì tăng đàn lợn quá nhanh, không có tiền trả nợ, phải bán tống, bán tháo cho thương lái.
Bài học “đắt giá” về việc việc tăng đàn ồ ạt đã khiến anh Mạnh hiểu rằng, sản xuất theo phong trào, đầu ra phụ thuộc vào thương lái thì sớm muộn gì cũng có kết cục như ngày hôm nay. "Để tránh lặp lại sai lầm và cắt giảm thua lỗ, tôi đã phải thu gọn đàn nái từ 35 xuống còn 22 con, bán bớt những con nái kém chất lượng. Chỉ khi tín hiệu thị trường thật sự rõ ràng, có đầu ra ổn định tôi mới dám tăng đàn nhưng sẽ không tăng ồ ạt như trước đây" anh Mạnh rút ra bài học.
Qua “cơn bão” giảm giá thịt lợn, ông Phạm Bá Vinh (hàng xóm của anh Mạnh) cũng rút ra bài học cho riêng mình: “Trước khi muốn tăng đàn, chúng tôi phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng thị trường hoặc hợp tác với các công ty bao tiêu sản phẩm. Như vậy, sẽ không phải nơm nớp lo sợ việc nhà nhà tăng đàn ồ ạt dẫn tới bán tống, bán tháo như thời gian qua”.
Nhiều ô chuồng của gia đình ông Phạm Bá Vinh bỏ trống sau cơn bão giá thịt lợn. |
Thực tế, việc tăng đàn lợn ở nhiều địa phương đã diễn ra ồ ạt, thiếu kiểm soát từ đầu năm 2016 khi thịt lợn hơi có dấu hiệu tăng giá. Theo Cục Chăn nuôi, tính tới cuối 2016, chưa kể các trang trại nhỏ, chỉ tính riêng số lượng các trang trại lớn và vừa đã lên tới con số 26.000, tăng tới 23% so với năm 2015. Đáng nói, cả 3 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm là đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ đều phát triển nóng đàn lợn.
Mặc dù quy hoạch chăn nuôi lợn đã có từ năm 2008, tuy nhiên đến nay, không tỉnh nào thực hiện quy hoạch này và hầu hết là phá vỡ quy hoạch. Với số lượng trên 4,3 triệu lợn nái, đàn lợn thịt có mặt thường xuyên cả nước ước lên tới trên 29 triệu con, cho ra sản lượng trên dưới 6 triệu tấn/năm. Trong khi, mức tiêu thụ tối đa của Việt Nam chỉ 3 triệu tấn thịt lợn/năm.
Xem video anh Lê Huy Mạnh, đội 12, xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) chia sẻ về thua lỗ do tăng đàn lợn ồ ạt.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- NN&PTNT), chăn nuôi theo phong trào rất rủi ro. Hôm nay, thương lái mua giá cao, ngày khác lại mua giá thấp nhưng người nông dân phải bán... vì họ không có đầu ra ổn định.
Nông dân mong mỏi được liên kếtTheo người dân Ngọc Lũ, trước mắt họ cần Nhà nước, chính quyền tìm đầu ra cho thịt lợn càng nhanh càng tốt. Vì càng để lâu, người chăn nuôi càng khó có cơ hội phục hồi đàn lợn, số nợ nần thì ngày càng tăng lên.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là đầu ra. Không có đầu ra nên giá lợn hơi không thể tăng lên được. Giá lợn cứ duy trì ở mức này thì số nợ của chúng tôi sẽ ngày càng nhiều thêm. Vì mỗi ngày tôi vẫn bỏ ra gần 4 triệu đồng tiền cám cho lợn ăn”, anh Lê Huy Mạnh nói.
Mỗi ngày gia đình anh Mạnh vẫn đang phải bỏ ra gần 4 triệu đồng tiền cám cho lợn ăn. |
Còn bà Phạm Thị Phương đang tính đi vay ngân hàng nông nghiệp ở xã Ngọc Lũ thêm 50 triệu đồng để duy trì đàn lợn, nuôi thêm bò và gia cầm. Ngân hàng đang cho vay với lãi suất 0,75%/tháng.
“Người chăn nuôi mong muốn được vay vốn với lãi suất thấp, khoảng 0,5% /tháng và cho vay thời hạn dài để chúng tôi có thể cầm cự, giữ lại đàn nái, một ít lợn con và nuôi thêm gia cầm. Nếu không thì chỉ 1 tháng nữa thôi, các gia đình ở đây sẽ không đủ lực để tiếp tục duy trì chăn nuôi”, bà Phạm Thị Phương, đội 12, xã Ngọc Lũ chia sẻ.
"Giá lợn giảm mạnh trong khoảng 2 tháng trở lại đây, theo tính toán của chúng tôi, đến hết tháng 6/2017 tổng thu của ngành lợn sẽ bị giảm khoảng 10.000 tỷ đồng” - ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết. |
Về lâu dài, người dân Ngọc Lũ mong muốn có doanh nghiệp hợp tác, giúp đỡ các hộ chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn hoặc ký hợp đồng nuôi gia công. Người dân Ngọc Lũ cho biết, trước đây, có vài công ty tới đặt vấn đề liên kết nuôi lợn, bao tiêu sản phẩm. Nhưng những công ty này yêu cầu người dân phải mua cám của họ, trả tiền ngay. Một vài hộ nuôi thử, đến khi giá lợn giảm giá mạnh thì không thấy công ty quay lại thu gom lợn.
Vì vậy, anh Lê Huy Mạnh cho rằng, qua cơn “khủng hoảng” giá lợn này, nhiều hộ muốn được liên kết chăn nuôi hoặc nuôi gia công cho các công ty. Tuy nhiên, phải thông qua xã để ký hợp đồng chăn nuôi chặt chẽ, ổn định. Cùng quan điểm này, hộ chăn nuôi Phạm Bá Vinh (hàng xóm nhà anh Mạnh) cho biết: “Được liên kết sản xuất, ổn định đầu ra là mong muốn của mọi người dân Ngọc Lũ. Các điều kiện về chuồng trại, con giống, quy trình sản xuất, chúng tôi đều có thể làm được, nhưng việc tiêu thụ ở đâu, bán cho ai thì chúng tôi 'chịu'. Do vậy, mong rằng chính quyền các cấp giúp người chăn nuôi có nơi tiêu thụ thịt lợn”.
“Cơn bão” thịt lợn vừa qua cho thấy, những người chăn nuôi tự phát theo phong trào không có đầu ra thì sẽ gặp rủi ro rất lớn khi thị trường biến động đột ngột. Họ chỉ biết trông chờ vào thương lái tới quyết định số phận của mình. Theo các chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam đang ở thời kỳ “quá độ” để chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, chợ quê sang sản xuất hàng hóa lớn. Qua “cơn bão” thịt lợn, nhiều nông dân đã rút ra được những bài học để điều chỉnh lại.
Để không còn tình trạng bán tống, bán tháo xảy ra, nông dân cần có các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp một cách căn cơ và bài bản. Đây cũng là cơ hội để nông dân thức tỉnh và chuyển sang một nền sản xuất liên kết thực sự.
Tiếp theo: Bài 3: Đương đầu với 'bão' giá lợn