Loạt bài: 'Giải cứu' thịt lợn và bài học cho nông nghiệp Việt Nam

Bài 3: Đương đầu với 'bão' giá lợn

“Cơn bão” giảm giá đi qua đã cuốn theo rất nhiều tài sản và những khoản tiết kiệm của hàng triệu hộ chăn nuôi lợn... nhưng với cách làm riêng, một số trang trại đã chèo chống để thoát khỏi "cơn bão" này, như những ví dụ đáng để người chăn nuôi tham khảo.

Tự tìm hướng đi riêng

Năm 2012, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ Thủy Thiên Nhu được chị Bùi Bích Liên gây dựng tại huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) với tất cả vốn liếng. Tuy trang trại không lớn (hơn 1 ha) nhưng không giống như các trại lợn khác, ngay từ những ngày đầu trang trại Thủy Thiên Nhu đã chọn mô hình chăn nuôi khép kín theo tiêu chuẩn Nhật Bản với công nghệ vi sinh hữu hiệu (EM) để tạo ra những sản phẩm sạch, cải tạo nguồn đất, nguồn nước và môi trường xung quanh.

Để kiểm soát và thẩm định quy trình sản xuất đạt chuẩn Nhật Bản, hàng năm, các chuyên gia Nhật thường xuyên sang tư vấn và giám sát chặt chẽ chất lượng từ con giống, chế biến thức ăn, các quy trình chăm sóc vật nuôi… khâu kiểm soát việc giết mổ, sơ chế, cấp đông trên dây chuyền treo hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Ở trang trại này, các chú lợn được gắn chíp để có thể kiểm soát nguồn gốc, theo dõi quá trình phát triển. Hiện quy mô của trang trại có hơn 800 con lợn.

Trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ Thủy Thiên Nhu tại huyện Lạc Thủy (Hòa Bình).

Mặc dù chọn lối đi riêng nhưng Thủy Thiên Nhu cũng không tránh khỏi vòng xoáy bão giá lợn đầu năm 2017. Bà Liên cho biết: “Giá lợn giảm mạnh khiến nhiều khách hàng đặt câu hỏi vì sao chúng tôi chưa giảm giá. Nhưng với quy trình sản xuất tiêu chuẩn khép kín, thời gian chăn nuôi dài (7-8 tháng/ 1 lứa lợn) để cho ra những sản phẩm thực phẩm chất lượng cao, an toàn dịch bệnh thì chúng tôi không thể giảm giá”.

Thêm vào đó bà Liên cũng chia sẻ: “Chúng tôi cũng không tăng đàn theo trào lưu nên không “chết chìm” như nhiều trang trại khác. Thủy Thiên Nhu muốn đảm bảo chất lượng và truy suất nguồn gốc rõ ràng cho các sản phẩm thực phẩm thịt hữu cơ EM GREEN tránh việc trộn lẫn hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả”.
 
Để không bị phụ thuộc vào thương lái, Thủy Thiên Nhu đã tự tìm đầu ra cho mình bằng cách tự gây dựng chuỗi cửa hàng phân phối thực phẩm mang thương hiệu riêng. Cuối năm 2013, cửa hàng thực phẩm sạch Orfarm đầu tiên ra đời.

Theo bà Liên, giai đoạn đầu, nhiều người hoài nghi về chất lượng thịt của Orfarm, một số còn e ngại là thương hiệu gắn mác hữu cơ để tăng giá. Nhưng qua thời gian, Orfarm đã dần chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng bằng chính những sản phẩm chất lượng cao của mình.

Đến giữa tháng 5/2016, Thủy Thiên Như chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một trong 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm. Hiện đã có 5 cửa hàng thực phẩm sạch mang thương hiệu Orfarm ra đời. Trong đó, 4 cửa hàng tại Hà Nội và một cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh. Thêm vào đó thịt lợn của Orfarm còn được chọn bày bán tại siêu thị của Nhật AEON Mall Long Biên.

Lợn sạch của Orfarm đang dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, và họ dần dần chấp nhận mức giá cao hơn thị trường gần 2 lần. Chị Phương Thảo (Ba Đình, Hà Nội) một khách quen của Orfarm cho biết: “Thịt lợn hữu cơ Orfarm chất lượng tốt, thịt thơm, ngon hơn hẳn thịt lợn mua ngoài chợ. Dù mức giá cao gần 2 lần so với thịt lợn ngoài thị trường nhưng được nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh nên chúng tôi vẫn mua”.

Chị Phương Thảo (Ba Đình, Hà Nội) một khách quen của Orfarm cho rằng, lợn được nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh nên đắt chúng tôi vẫn mua.

Trong tương lai, Thủy Thiên Nhu mong muốn ở Việt Nam có thêm nhiều trang trại đi theo mô hình chăn nuôi hữu cơ, công nghệ tiên tiến, tạo thành hiệp hội cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân Việt Nam. Vừa kiểm soát được dịch bệnh lại có đầu ra ổn định.

Nuôi lợn bằng lá trà xanh

Cũng là nuôi lợn nhưng theo phương thức hoàn toàn khác biệt, Công ty Orgen  đã xây dựng trang trại lợn trà xanh Tea Po nằm bên cạnh núi Sắng (Gia Viễn, Ninh Bình) với những gốc chè hàng trăm năm tuổi. Khu vực nuôi tách biệt khu dân cư với không khí trong lành và nguồn đất, nước đã được kiểm tra cẩn thận

Hàng ngày, những chú lợn trong trang trại được ăn các loại thức ăn lên men từ lá trà xanh theo kiểu Nhật, uống nước trà xanh và tắm nước lá trà xanh. Không những vậy, lợn còn được tắm nắng, mát xa, nghe nhạc tại khu vui chơi trong trang trại.

Theo chị Nguyễn Hồ Diệp Hà, chủ mô hình nuôi lợn Trà xanh Tea Po, với phương pháp nuôi sử dụng lá trà xanh và cách chăm sóc đặc biệt, tạo ra môi trường sống thoải mái, có kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo không biến đổi gen, không sử dụng cám công nghiệp nên đã giảm hàm lượng cholesterol xấu trong mỡ lợn, đào thải độc tố, và giảm tình trạng stress ở lợn, nâng cao tính an toàn cho người sử dụng thịt.

Tuy nhiên, lợn nuôi theo phương pháp này của chị Hà sẽ mất khá nhiều thời gian mới có thể xuất chuồng. Thông thường sau 6- 7 tháng, lợn trà xanh Tea Po đạt khoảng 35-40 kg đối với dòng lợn thuần chủng và 70-75 kg đối với dòng lợn lai thuần chủng. Trong khi đó, lợn nuôi thông thường chỉ mất 4 -5 tháng có thể xuất chuồng với trọng lượng hơn 100kg.

Mặc dù, giá thịt lợn ngoài thị trường biến động mạnh từ cuối năm 2016 tới nay, nhưng với những hướng đi riêng, số lượng lợn trà xanh Tea Po được tiêu thụ không giảm mà thậm chí còn tăng gấp đôi.

“Cuối năm 2016, chúng tôi chỉ xuất được mỗi tháng khoảng 20-30 con, đến nay, số lượng xuất đã ổn định khoảng 30 con/tháng và từ tháng 7 trở đi, lượng xuất có thể sẽ đạt 40-50 con/tháng. Tuy giá cả có cao hơn thị trường nhưng đa số khách hàng đều hiểu được quy trình chăn nuôi của chúng tôi nên họ vẫn tin tưởng, ủng hộ phương pháp chăn nuôi mới này”, chị Hà cho biết thêm.

Lợn được nuôi bằng trà xanh theo hướng hữu cơ vẫn có những chỗ đứng riêng và không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi “cơn bão” thịt lợn.

Tại núi Sắng, trang trại của chị Hà có 40 ô chuồng, mỗi chuồng chỉ thả từ 10 – 12 lợn. Tổng số lợn của trang trại khoảng trên 400 con. Theo chị Hà, Orgen sẽ không ồ ạt tăng đàn theo phong trào mà chú trọng tới kiểm soát chất lượng, từ khâu con giống tới khâu giết mổ, chế biến. Mô hình khép kín này đang tạo công ăn việc làm cho gần 30 nhân công. 

Vì được kiểm soát chặt chẽ, các quy trình đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn thực phẩm nên giá bán thịt lợn trà xanh núi Sắng luôn cao hơn giá thịt lợn thông thường nhưng nhiều khi vẫn “cháy” hàng.

Tới thời điểm này, thịt lợn Tea Po đang được phân phối tại cửa hàng thực phẩm hữu cơ và tự nhiên V-Organic ở Hà Nội,  cung cấp cho trường quốc tế Nhật, hơn 100 hộ gia đình Hàn Quốc sinh sống tại Hà Nội và một số khách sạn cũng đang rất quan tâm... “Một số doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản đã sang đặt vấn đề nhập khẩu lợn trà xanh nhưng chúng tôi chưa đủ số lượng và ưu tiên phục vụ thị trường trong nước trước khi hướng tới xuất khẩu”, chị Diệp Hà nói.

Theo kế hoạch, chị Hà dự định sẽ mở rộng quy mô lên khoảng 1.000 con lợn trà xanh Tea Po trong năm nay, tuy nhiên sẽ không tăng ồ ạt mà luôn kiểm chất lượng cẩn  thận.

Mặc dù, “bão” giảm giá lợn đã làm hàng nghìn trang trại lợn có nguy cơ phá sản thì lợn được nuôi hưu cơ, an toàn vẫn có những chỗ đứng riêng và không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi “cơn bão” này.  Đây thực sự cũng là mô hình để nhiều người chăn nuôi học tập.
                                                                                                                                                       
 Tiếp theo:
Bài 4: Bao giờ điệp khúc "giải cứu" nông sản mới chấm dứt
Bài và ảnh: Hữu Vinh
Bài 2: Hậu quả từ chăn nuôi theo kiểu phong trào
Bài 2: Hậu quả từ chăn nuôi theo kiểu phong trào

Theo người dân Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam), “cơn bão” giá lợn là bài học “đắt giá” về việc tăng đàn ồ ạt, nuôi lợn theo phong trào mà chưa nghiên cứu kỹ thị trường và bỏ qua khuyến cáo của chính quyền địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN