Bắc Kạn: Luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào địa phương

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tổ chức Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), tỉnh Bắc Kạn đã được IFAD tài trợ dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp (gọi tắt là 3PAD), triển khai từ năm 2009 - 2015 tại ba huyện Ba Bể, Pắc Nặm và Na Rì. Để đạt được mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững, công bằng và cải thiện sinh kế cho người nghèo nông thôn Bắc Kạn, ngày 29/6, tại thị xã Bắc Kạn, UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Tổ chức IFAD, Tổ chức phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và khởi động Quỹ xúc tiến đầu tư nông lâm nghiệp (APIF) thu hút đông đảo các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong khu vực tham gia. Hội nghị là cơ hội để các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến những tiềm năng, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Kạn đối với các lĩnh vực về nông, lâm nghiệp, du lịch đồng thời cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp đối thoại với chính quyền địa phương về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Tiềm năng lớn

Nằm gần vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Kạn có hệ thống cơ sở hạ tầng khá tốt, môi trường xã hội lành mạnh, có nhiều lợi thế phát triển về công nghiệp, nông - lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và du lịch. Với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi về thu hút đầu tư, Bắc Kạn là môi trường thuận lợi, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thăm Nhà máy ván ép SAHABAK. Đây là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khai thác gỗ nguyên liệu thành công nhất ở Bắc Kạn. Ảnh: Nguyễn Trình


Trong những năm qua, thực hiện chủ trương đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, Bắc Kạn luôn quan tâm đến việc kêu gọi đầu tư, tăng cường xúc tiến thương mại và du lịch, mở rộng giao lưu với các tỉnh trong nước và nước ngoài. Do đó, sau 13 năm tái lập tỉnh, Bắc Kạn đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm (2005-2010) đạt 11,2%/năm. Trong đó, nông - lâm nghiệp tăng 7,78%/năm, công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 8,92%/năm, dịch vụ tăng 16,57%/năm. Thu ngân sách tăng 20%/năm, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 9,6 triệu đồng, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2005. Đặc biệt trong giai đoạn 2006-2010, thông qua nguồn vốn ODA đã có 10 nhà tài trợ cho 35 dự án trong tỉnh với tổng nguồn vốn 2.196 tỷ đồng…

Ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Trong giai đoạn 2011-2015, Bắc Kạn tập trung vào 3 lĩnh vực có thế mạnh, đó là: Tập trung trồng rừng và chế biến gỗ, khai thác chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng, phát triển du lịch hồ Ba Bể. Đặc biệt các dự án đang đầu tư sẽ được triển khai mạnh mẽ trong 5 năm tới như: Dự án trồng rừng nguyên liệu tại huyện Pắc Nặm với diện tích đất sử dụng 4.970 ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ngã ba sông Năng, huyện Ba Bể với quy mô 13,98 ha với tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ đồng. Dự án đầu tư công trình khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí phía bờ bắc sông Năng, huyện ba Bể với số vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại Khu công nghiệp Thanh Bình với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng gồm cả chế biến và trồng rừng…”.

Tuy nhiên, việc kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua vẫn còn hạn chế. Tỉnh chưa khai thác, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh; đặc biệt là thế mạnh về nông, lâm nghiệp và du lịch sinh thái ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Bắc Kạn vẫn còn nhiều huyện kinh tế chưa phát triển, số hộ cận nghèo và nghèo còn tỷ lệ cao như huyện Na Rì, Ba Bể, Pắc Nặm.

“Gói kích cầu” trong nông lâm nghiệp

Được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và Tổ chức IFAD, tỉnh Bắc Kạn được tiếp nhận dự án quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp. Dự án nhằm mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững và công bằng, cải thiện sinh kế cho người nghèo nông thôn trong tỉnh thông qua đẩy mạnh việc quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng và làm giàu từ rừng. Dự án hướng tới xây dựng một khung chương trình phát triển nông, lâm nghiệp bền vững và sinh lợi cho nông dân nghèo của tỉnh Bắc Kạn. Dự án dành 2 triệu USD để triển khai Quỹ APIF nhằm tạo ra một khuôn khổ cho những người dân có thu nhập thấp tại 3 huyện Na Rì, Ba Bể, Pắc Nặm được tiếp cận thị trường một cách bền vững, có việc làm, tăng thu nhập thông qua việc hỗ trợ các sáng kiến hợp tác kinh doanh.

Theo đó, Quỹ APIF sẽ hỗ trợ cho các sáng kiến đầu tư phát triển kinh doanh nông, lâm nghiệp tại Bắc Kạn (trong đó có ưu tiên 3 huyện đã nằm trong vùng dự án) với nguồn kinh phí tài trợ từ 30.000 đến 250.000 USD. Quỹ APIF được xem xét như một cơ chế ưu tiên đặc biệt để kêu gọi đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch của tỉnh Bắc Kạn.

Tại hội nghị này, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã được nghe Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở VH,TT&DL Bắc Kạn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thách thức và cơ chế hỗ trợ các nhà đầu tư của tỉnh Bắc Kạn; các sản phẩm nông, lâm nghiệp tiềm năng; những thuận lợi, khó khăn trong việc đầu tư phát triển kinh doanh các mặt hàng nông lâm sản tại địa phương. Kết quả nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Kạn; tình hình phát triển công nghiệp, thương mại tại địa phương giúp các nhà đầu tư định hướng đầu tư một cách có hiệu quả. Giới thiệu tiềm năng du lịch và những định hướng thu hút đầu tư về du lịch và đặc biệt là giới thiệu Quỹ APIF với các nhà đầu tư.

>>Ý KIẾN:

Bà Atsuko Tođa, Giám đốc chương trình IFAD tại Việt Nam: IFAD luôn quan tâm đến lĩnh vực xóa đói giảm nghèo. Định hướng của chúng tôi là không cho không người nghèo, mà muốn biến người nghèo thành những doanh nhân, doanh nghiệp để họ có nguồn thu nhập ổn định. Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 500.000 hộ đang được hưởng lợi và đối tượng chủ yếu là những người nghèo, phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những đối tượng mà IFAD luôn quan tâm để hỗ trợ. Riêng đối với Bắc Kạn, IFAD cũng đang quan tâm hỗ trợ người nghèo vùng nông thôn và vùng dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào những lĩnh vực như trồng rừng...

Ông Tôm Derksen, Giám đốc Tổ chức phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV): Bắc Kạn là địa phương rất phù hợp để APIF chọn giúp đỡ người dân và SNV cũng vậy. Việc xóa đói giảm nghèo là điều quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam nên chúng tôi chọn Bắc Kạn để giúp đỡ địa phương giảm nghèo nhanh thông qua các dự án. Qua kinh nghiệm hỗ trợ và quản lý Quỹ, SVN rất quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ kinh doanh cho người nghèo để giúp đỡ họ tiếp cận quỹ APIF, thu hút đầu tư cho khối doanh nghiệp tư nhân và người dân.


Viết Tôn - Nguyễn Trình

Bắc Kạn ưu tiên vốn cho lĩnh vực trồng rừng
Bắc Kạn ưu tiên vốn cho lĩnh vực trồng rừng

Trong khuôn khổ của Hội nghị xúc tiến đầu tư và khởi động Quỹ APIF, phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Lý Thái Hải, Phó Chủ tịch HĐND, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn về lĩnh vực mà Bắc Kạn đang ưu tiên đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN