Trong khuôn khổ của Hội nghị xúc tiến đầu tư và khởi động Quỹ APIF, phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Lý Thái Hải (ảnh), Phó Chủ tịch HĐND, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn về lĩnh vực mà Bắc Kạn đang ưu tiên đầu tư.
Xin ông cho biết lợi thế của Bắc Kạn trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp?
Hiện nay Bắc Kạn có lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp là trồng rừng. Bắc Kạn hiện có hơn 90.000 ha đất trống để trồng rừng, đây là nguồn quỹ đất rất lớn. Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn trong nhiệm kỳ này là mỗi năm tỉnh sẽ phải trồng 12.000 ha, trong 5 năm tới diện tích rừng toàn tỉnh sẽ nâng lên 60.000 ha. Đi liền với trồng rừng là lĩnh vực chế biến gỗ. Hiện nay chúng tôi đã xây dựng được một nhà máy chế biến gỗ có công suất 100.000 tấn MDF, thời gian tới chúng tôi sẽ kêu gọi tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy nữa cũng có công suất tương tự. Từ đó sẽ giải quyết hết nguồn nguyên liệu gỗ cho đồng bào.
Bắc Kạn bây giờ cơ cấu chính vẫn là nông lâm nghiệp với lợi thế là trồng rừng gắn với giải quyết đầu ra cho bà con nông dân. Trong công tác trồng rừng, chúng tôi áp dụng đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống mới, giống có chất lượng cao; đặc biệt là đưa cây keo Ốxtrâylia vào trồng để làm ra những sản phẩm nguyên liệu tốt. Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng đang tập trung vào một số cây đặc sản như hồng không hạt, cam, quýt, gạo bao thai… Tỉnh đang gấp rút làm thủ tục để bảo vệ thương hiệu những sản phẩm đặc sản này.
Vậy ý nghĩa lớn nhất trong việc đầu tư vào nông, lâm nghiệp để Bắc Kạn xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững là gì, thưa ông?
Bắc Kạn có 3 lợi thế, đó là trồng rừng và chế biến gỗ, khai thác chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng, phát triển du lịch hồ Ba Bể. Riêng lĩnh vực trồng rừng là hướng phát triển bền vững nhất. Ngày 5/6 vừa qua, Bắc Kạn đã tổ chức kỷ niệm Ngày môi trường thế giới và tỉnh cũng đã định hướng trồng rừng để giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững cho bà con, đảm bảo môi trường sống trong lành.
Hiện nay Bắc Kạn đang có hướng phát triển ổn định: Thứ nhất là sẽ huy động các nguồn vốn ODA để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn của Quỹ IFAD đầu tư 21 triệu USD đã giải quyết được cho 3 huyện là Na Rì, Ba Bể, Pắc Nặm. Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2, kéo dài đến năm 2020 với nguồn vốn khoảng 25 triệu USD nữa để giúp đỡ cho 7 huyện còn lại trong tỉnh. Thứ hai là tỉnh đang xem xét dành một phần nguồn lực thông qua vốn sự nghiệp của tỉnh để hỗ trợ cho bà con trong việc trồng rừng. Tiếp đó là dành nguồn đầu tư cho hệ thống giao thông, thủy lợi ở vùng sâu, vùng xa để gắn với việc trồng rừng, khai thác rừng sau này. Bởi vì sau này khi rừng đã đến tuổi khai thác nhưng giao thông không phát triển, thì việc tiêu thụ nguyên liệu gỗ cho bà con sẽ gặp khó khăn. Hiện nay Chính phủ đang có chương trình 147 để hỗ trợ cho bà con trồng rừng nên Bắc Kạn đang gắn các chương trình của Chính phủ, của tỉnh để lựa chọn, định hướng đầu tư trong nông nghiệp ở các địa phương. Đây là bài toán tổng thể để đưa nền nông, lâm nghiệp của tỉnh phát triển với cơ cấu trên 40% là nông - lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng chỉ chiếm 30% và dịch vụ - du lịch trên 25%. Bắc Kạn vẫn lấy nông lâm nghiệp là chính.
Thông qua hội nghị xúc tiến này, Bắc Kạn có kỳ vọng gì ở các nhà đầu tư?
Mục đích của hội nghị hôm nay là giới thiệu một phần tiềm năng của Bắc Kạn và giới thiệu Quỹ APIF. Quỹ này nằm trong khuôn khổ của chương trình dự án 3PAD dành ra 2 triệu USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trồng rừng. Thông qua đó giới thiệu cho các nhà đầu tư, các nhà doanh nghiệp biết đây là nguồn hỗ trợ của Chính phủ để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư trồng rừng ở Bắc Kạn.
Hy vọng qua hội nghị này, các doanh nghiệp đang có ý định đầu tư vào Bắc Kạn và đang đầu tư ở Bắc Kạn sẽ được hỗ trợ một phần từ nguồn vốn này nếu như hồ sơ của họ đầy đủ, hợp lệ. Đây là nguồn kinh phí rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng ở Bắc Kạn.
Xin cảm ơn ông!
Viết Tôn - Nguyễn Trình