Đặc biệt là từ năm 2018 đến nay, tỉnh có chủ chương thút hút có chọn lọc chỉ chấp nhận các dự án FDI có chất lượng cao như công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, cho ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao…
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 20 dự án FDI cấp mới (tăng 5 dự án so với cùng kỳ năm 2022), với tổng vốn đăng ký hơn 751 triệu USD (tăng gấp 2,78 lần, tương đương tăng hơn 481 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022); có 25 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là hơn 503 triệu USD (tăng 15,3%, tương đương tăng 66,9 triệu USD so với cùng kỳ năm 2022).
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 457 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31.433 triệu USD; trong đó, khu công nghiệp là 284 dự án, với tổng vốn đầu tư 13.738 triệu USD; ngoài khu công nghiệp là 173 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17.695 triệu USD.
Nhiều năm qua, việc thu hút các dự án đầu tư FDI của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn được duy trì và đảm bảo theo mục tiêu là thu hút đầu tư có chọn lọc. Đối với các doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào tỉnh chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tiết kiệm năng lượng, tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ cho công nghiệp của tỉnh.
Việc thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, mà quan trọng hơn là tỉnh đã và đang tạo ra một hệ sinh thái để những doanh nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, có uy tín, tin tưởng và mạnh dạn đầu tư.
Thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu hút được nhiều tập đoàn, công ty vốn FDI có thương hiệu lớn như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Australia), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Vard (Na Uy).
Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được một số dự án thượng nguồn, quy mô lớn, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Thái Lan) 5 tỷ USD, Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) 1,3 tỷ USD. Riêng đối với “Kho ngầm chứa LPG” của Tập đoàn Hyosung là công trình lớn nhất Đông Nam Á và là hạng mục quan trọng của dự án nhà máy sản xuất Polypropylene. Công trình này nằm dưới độ sâu từ hơn 100m đến gần 200m so với mực nước biển, với sức chứa 240.000 tấn. Kho ngầm gần như hoàn toàn tự động hóa với công nghệ tiên tiến nhất, phía ngoài bao bọc bởi lớp đá cứng granite. Kho ngầm này được đánh giá có độ an toàn gần như tuyệt đối.
Khi vận hành toàn thể, nhà máy sẽ sản xuất 650.000 tấn Polypropylene mỗi năm; trong đó, 300.000 tấn sẽ được cung cấp cho thị trường nội địa Việt Nam với chất lượng vượt trội và giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu hiện có, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành sản xuất của Việt Nam, số còn lại sẽ giành cho xuất khẩu.
Sản phẩm của các dự án này là nguồn nguyên liệu, nhiên liệu dồi dào cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo hạ nguồn, nhờ đó tạo tác động tích cực thu hút, thúc đẩy nhiều dự án sản xuất sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào tỉnh. Đồng thời, đóng góp một lượng lớn vào nguồn thu ngân sách của địa phương...
Hiện nay, các dự án FDI của Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút được từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, có một số quốc gia có vốn FDI lớn như Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp….
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, mới đây, ngày ngày 9/10, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 13768/UBND-VP chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương triển khai Chỉ thị số 14 ngày ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh.
Theo văn bản chỉ đạo, đối với những dự án quan trọng, có tính lan tỏa, giao các cơ quan đầu mối như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thực hiện thủ tục đầu tư.
Văn bản cũng yêu cầu các sở, ngành có liên quan, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp; Công an tỉnh; Bảo hiểm Xã hội tỉnh; Cục Hải quan; Cục Thuế và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng và nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tham mưu UBND tỉnh xử lý các kiến nghị của các nhà đầu tư FDI trong phạm vi ngành quản lý
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025, thu hút đầu tư FDI thêm ít nhất 15 tỷ USD. Tỉnh duy trì thu hút đầu tư có chọn lọc, đúng định hướng, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết của Ban cán sự đảng và chỉ đạo của UBND tỉnh.
Để sẵn sàng đón các nhà đầu tư lớn lựa chọn tỉnh làm điểm đến đầu tư, ngoài việc sẵn sàng các cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đầu hệ thống giao thông kết nối khang trang, hiện đại.
Tỉnh tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối vào khu vực cảng biển Cái Mép – Thị Vải; giao thông kết nối với các dự án du lịch dọc tuyến đường ven biển từ thị xã Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc…; các tuyến đường kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An và chuẩn bị đầu tư tuyến đường Vành đai 4; nâng cấp đầu tư hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ 51, 55, 56, các tuyến tỉnh lộ kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận; thực hiện nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thời gian tới, tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường. Đối với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động khuyến khích đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất thế hệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ít tiêu tốn năng lượng khi Quy hoạch tỉnh được duyệt trên tinh thần phát triển kinh tế quy mô hướng tới sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa bền vững.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên về hạ tầng khu, cụm công nghiệp; dự án nguồn điện, dự án hóa dầu, khí … theo danh mục dự án Quy hoạch tỉnh sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn về miễn, giảm, gia hạn các thuế, phí, tiền thuê đất nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về tài chính, có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, Tổ hỗ trợ các dự án đầu tư của tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.