ASEAN thống nhất ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm 2020

Phát biểu tại buổi họp báo Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan sáng 30/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand vào cuối năm nay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, có thể nói, phần lớn vấn đề tồn đọng liên quan đến đàm phán RCEP đã đạt được kết quả khả quan, hài lòng. Các Bộ trưởng đã cho chỉ đạo cụ thể, kể cả vấn đề về rà soát phát lý, thúc đẩy đạt mục tiêu tất cả việc chuẩn bị để ký kết vào cuối năm 2020, cũng như tiếp tục tạo điều kiện để Ấn Độ tham gia trong quá trình ký kết RCEP . 

“Dự kiến cần thêm 1 hội nghị vào tháng 10/2020 để đánh giá lại công tác chuẩn bị, trước khi báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11/2020 để ký kết Hiệp định RCEP theo đúng yêu cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. 

Đánh giá về tầm quan trọng của hiệp định này, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định, RCEP luôn được xác định là nội dung rất ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam. Nếu được ký kết, Hiệp định RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, GDP quy mô lên tới 32% tổng GDP toàn cầu, khoảng 32.000 tỷ USD; quy mô dân số chiếm 47,5% dân số thế giới. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì họp báo. Ảnh: PT.

Với các cam kết của hiệp định, khi thực thi, RCEP sẽ tạo ra thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa thương mại dịch vụ, đồng thời cải cách sâu đậm các lĩnh vực để thực hiện thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại. Đây là động lực to lớn giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu. Hiệp định RCEP sẽ là đóng góp to lớn, không chỉ cho tăng trưởng kinh tế, mà còn củng cố hệ thống thương mại đa phương, vô cùng cần thiết cho toàn cầu hóa.

Với Việt Nam, để cân đong đo đếm về lợi ích thương mại, đầu tư từ RCEP còn nhiều điều cần tính toán kỹ hơn. Tuy nhiên, rõ ràng với bước đi mang tính chủ động nằm trong chiến lược hội nhập, đây là “mắt xích”, điểm nhấn cần thiết để đảm bảo những hoạt động tiếp tục thực hiện chiến lược hội nhập, từ đó tạo ra phát triển kinh tế xã hội bền vững, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế. 

“Cùng với các Hiệp định thương mại tư do (FTA) khác, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA), RCEP có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu, nền tảng cũng như chiến lược dài hạn của Việt Nam; tiếp tục khẳng định Việt Nam là quốc gia có vai trò, vị thế quan trọng trong toàn cầu hóa cũng như hội nhập của khu vực với thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. 

Liên quan tới Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ASEAN với các đối tác liên quan, người đứng đầu ngành Công Thương chia sẻ thêm, hiện nay, ASEAN đã có kế hoạch về Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ASEAN với các đối tác dự kiến tổ chức vào cuối năm nay. Công việc chuẩn bị đang được các kênh cả kênh ngoại giao, kinh tế cũng như bộ phận có liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả. Các công việc đến nay đều khá tích cực, đưa lại những nội dung có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19… 

“Tuy nhiên, việc tổ chức hội nghị là trực tiếp hay trực tuyến phụ thuộc vào ý chí của các nhà lãnh đạo, nhất là dựa trên cơ sở diễn biến dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bởi các quốc gia đều đặt mục tiêu an toàn tính mạng, sức khỏe con người lên trên”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM 52) và các hội nghị liên quan là sự kiện quan trọng nhất trong năm của kênh kinh tế trong ASEAN, kéo dài từ ngày 22 – 29/8/2020. Hội nghị là dịp để các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tổng soát lại tình hình hoạt động hội nhập kinh tế khu vực từ đầu năm đến nay, cũng như  thảo luận để thống nhất định hướng hoạt động trong nội khối và với các đối tác đối thoại. 

Về nội khối, kết quả quan trọng nhất đạt được tại Hội nghị AEM 52 lần này đối với Việt Nam là việc các Bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các Sáng kiến, ưu tiên Kinh tế do Việt Nam đưa ra cho năm Chủ tịch mặc dù các nước ASEAN đang phải đối mặt với các thách thức to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Cụ thể, 2 sáng kiến đã được hoàn tất, gồm sáng kiến về “Chỉ số Hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về Kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN”,  11 sáng kiến còn lại vẫn đang được ASEAN nỗ lực triển khai theo đúng lộ trình, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. 

Các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý vấn đề thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định ATIGA chuyển đổi từ Danh mục hàng hóa ASEAN (AHTN) bản 2012 sang bản 2017 của Việt Nam; hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN (APMRA); thống nhất thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20/9/2020. Đây là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại nội khối.

ASEAN tiếp tục thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đặc biệt là việc đánh giá giữa kỳ để có thể điều chỉnh Kế hoạch tổng thể năm 2025 phù hợp với bối cảnh mới trong khu vực cũng như giúp ASEAN vượt qua các thách thức trên quy mô toàn cầu. Mục tiêu của việc thảo luận là đưa ra các giải pháp tổng thể, giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ và đủ vững mạnh làm điểm tựa cho các nước ASEAN sở hữu vị thế cạnh tranh thuận lợi so với các nền kinh tế trong khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là việc tận dụng một cách hiệu quả các ưu thế của các thành viên ASEAN, tận dụng các cơ hội thời cơ trong quá trình hội nhập với các khu vực khác trên thế giới.

Các Bộ trưởng cũng thảo luận định hướng xây dựng Kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế ASEAN cho giai đoạn sau đại dịch.

Về ngoại khối, ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định RCEP vào cuối năm nay, mặt khác có những trao đổi sơ bộ để rà soát, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Australia, NewZealand, Canada, hoặc với cả những đối tác tiềm năng trong tương lai như Vương quốc Anh.

Ngoài ra, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và các nước đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch COVID-19 và Sáng kiến chung giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.

Các Bộ trưởng ASEAN nhất trí việc cần duy trì các cam kết hiện hành về mở cửa thị trưởng trong thương mại và đầu tư, kiềm chế áp dụng các biện pháp gây hạn chế không cần thiết đối với thương mại, tăng cường các biện pháp thuận lợi hóa thương mại nhằm ổn định sản xuất, duy trì kết nối chuỗi cung ứng, xây dựng kế hoạch hồi phục sau đại dịch.

Thu Trang/Báo Tin tức
ASEAN 2020: Đơn giản hóa thủ tục hành chính và kết nối với khu vực tư nhân
ASEAN 2020: Đơn giản hóa thủ tục hành chính và kết nối với khu vực tư nhân

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị có liên quan (AEM-52), chiều 29/8, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã có buổi tham vấn với các đối tác ngoại khối, bao gồm Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN