Theo ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết hiện nay trên địa bàn một số xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim của huyện Quế Phong xảy ra hiện tượng một số người dân vào rừng chặt cây chè hoa vàng và đào gốc cây để bán cho tư thương.
Việc làm này đã ảnh hưởng đến việc bảo tồn nguồn giống, phát triển của cây chè hoa vàng và một số cây dược liệu khác, ảnh hưởng đến thu nhập của mỗi gia đình trên địa bàn có cây chè hoa vàng.
Để ngăn chặn kịp thời hiện tượng trên, huyện Quế Phong đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không vào rừng đào gốc, chặt phá cây chè hoa vàng để bán cho tư thương, làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn, phát triển cây chè hoa vàng theo Đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020 của huyện.
Các xã, thị trấn và các chủ rừng tiến hành kiểm tra ngăn chặn kịp thời các đối tượng mua bán gốc, cây chè hoa vàng tại các xã, thị trấn để có biện pháp nhắc nhở, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm không tuân thủ theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các quy định của Nhà nước.
Ngay trong ngày 28/3, các địa phương nơi trồng cây dược liệu quý này đã tổ chức họp tuyên truyền, vận động nhân dân ký cam kết không được đào gốc, chặt phá và có các hành động khác phá hoại đối với các loại cây dược liệu nói chung, cây chè hoa vàng nói riêng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở và chỉ đạo các xã, các chủ rừng có các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây chè hoa vàng để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ.
Cây chè hoa vàng thường mọc trên các vùng gò đồi, ven khe suối… của huyện Quế Phong, đến năm 2012 mới được phát hiện và công bố. Theo các tài liệu khoa học, cây chè hoa vàng chứa tới hơn 400 thành phần dinh dưỡng, có giá trị y học cao, đặc biệt có tác dụng phòng ngừa các bệnh ung thư, giảm mỡ máu.
Loại cây này có họ sơn trà, thân gỗ nhỏ, cao từ 2 - 5m; khoảng tháng 4 - 5 bắt đầu đâm lộc, tháng 11 bắt đầu nở hoa và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Hoa chè có màu vàng kim sáp bóng với đường kính 5 - 6cm; hoa tươi có giá 1,5 - 2,5 triệu đồng/kg còn hoa chè khô có giá từ 3,5 - 5 triệu đồng/kg.
Nhận thấy giá trị của cây chè hoa vàng, chính quyền huyện Quế Phong đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An khảo sát, nghiên cứu và nhân giống phát triển loài cây này. Trung tâm Ứng dụng hoa học kỹ thuật., Sở Khoa học và Công nghệ, cũng đã tiến hành trồng thí điểm 1 ha chè hoa vàng tại địa bàn xã Đồng Văn và cho kết quả tốt.
Tháng 4/2016, UBND huyện Quế Phong đã lập Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đến năm 2020 cây chè hoa vàng sẽ đạt tổng diện tích 95 ha, triển khai chủ yếu tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim.