An Giang có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Tỉnh An Giang đã có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 5 sao - cấp quốc gia, 16 sản phẩm đạt 4 sao và 70 sản phẩm đạt 3 sao.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm từ thốt nốt và trái chúc được hỗ trợ tham gia Đề án OCOP_AG. Ảnh: baoangiang.com.vn

Trong số các sản phẩm được chứng nhận OCOP, có 63 sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm; 21 sản phẩm đồ uống; 4 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí. Đồng thời, có 59 chủ thể kinh tế có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, gồm: 6 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp, 33 cơ sở sản xuất.

Đặc biệt, trong tháng 4/2022, tại Diễn đàn sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp, 2 sản phẩm OCOP 4 sao của An Giang là Đường thốt nốt bột của Công ty TNHH MTV Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia và sản phẩm Tương hột của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thanh Hồ vinh dự được chọn là sản phẩm OCOP tiêu biểu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Phạm Thái Bình, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng Nông thôn mới tỉnh An Giang đánh giá, các sản phẩm đạt chứng nhận các sao của An Giang có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Sản phẩm OCOP An Giang hiện có mặt ở hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để sản phẩm OCOP An Giang phủ sóng khắp các kênh phân phối, ông Bình cho biết: Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đối với sản phẩm OCOP luôn được tỉnh chú trọng và được triển khai thường xuyên; đưa các sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động, các cuộc thi khởi nghiệp nhằm phát triển thêm cho các sản phẩm.

Tỉnh cũng thường xuyên triển khai các hoạt động liên quan đến giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối cung - cầu cho các sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP”, các sản phẩm tiềm năng, sản phẩm làng nghề gắng với giới thiệu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Hiện tỉnh An Giang đang duy trì và nâng cao hoạt động của 2 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại thành phố Long Xuyên và huyện Tịnh Biên. An Giang. Đồng thời, khảo sát và phát triển thêm các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại nhiều điểm du lịch trong tỉnh.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được Chương trình OCOP vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu từ nội lực của chủ thể kinh tế; chưa có những chính sách riêng và cụ thể để thực hiện Chương trình OCOP.

Do đó, các chính sách hỗ trợ cho các hộ sản xuất, cơ sở, hợp tác xã, kể cả doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hiện hành chủ yếu dựa vào nguồn vốn lồng ghép, tích hợp từ các chương trình, dự án, đề án của Trung ương và địa phương.

Để Chương trình OCOP tại An Giang đạt hiệu quả, ông Lâm cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu và kết nối cung - cầu cho sản phẩm. Tiếp tục các hoạt động tuyên truyền, rà soát các sản phẩm tiềm năng tại các địa phương để tiếp tục hỗ trợ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã phần nào khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Chương trình đã thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển vùng nguyên liệu và văn hoá truyền thống để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Đặc biệt, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh vào đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Thanh Sang (TTXVN)
Gắn sao OCOP cho các sản phẩm du lịch Phú Thọ
Gắn sao OCOP cho các sản phẩm du lịch Phú Thọ

Phát triển các sản phẩm OCOP du lịch đang là hướng đi được tỉnh Phú Thọ khuyến khích phát triển và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Hoạt động này đã tạo niềm tin về tiêu chuẩn, chất lượng trong lòng du khách trong nước và quốc tế; góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN