Theo nguồn tin của báo Wall Street Journal, mức giá đang thương thảo cho vụ mua bán này là hơn 300 triệu USD, trong khi hồi tháng 6/2019, giá trị của công ty Wondery mới chỉ là 100 triệu USD.
Doanh thu của công ty Wondery năm nay trên đà hướng tới hơn 40 triệu USD và có tới 75% số doanh thu này là do quảng cáo và cấp phép cho truyền hình cũng như các dịch vụ đăng ký trả phí với chính công ty Wondery từ mùa Hè vừa qua. Wondery hiện là hãng sản xuất podcast lớn và độc lập cuối cùng trên thị trường có thể mang lại cơ hội cuối cùng cho một gã khổng lồ công nghệ mua để phát triển trong lĩnh vực hiện đang phát triển bùng nổ này. Các nhà đầu tư lớn của hãng Wondery là Waverley Capital, Lerer Hippeau Ventures, Greycroft Partners và Advancit Capital.
Bước tiến vào lĩnh vực podcast của Amazon được quyết định đúng vào lúc đà tăng trưởng của ngành công nghiệp podcast tuy còn nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng.
Từng là lĩnh vực chủ yếu để đăng phát các nội dung về tình hình tội phạm, phân tích văn hóa đại chúng, podcast đã trở thành nền tảng mang tính bùng nổ những năm gần đây cho các chương trình chính trị và giải trí nổi tiếng. Theo công ty nghiên cứu thị trường Edison, nền tảng podcast thu hút trung bình khoảng hơn 100 triệu người nghe mỗi tháng. Theo số liệu của Văn phòng Quảng cáo Tương tác Mỹ, doanh thu quảng cáo trên podcasts tại Mỹ tăng khoảng 48% lên tới 708,1 triệu USD vào năm 2019, và con số này dự kiến sẽ vượt 1 tỷ USD vào năm 2021.
Nhiều "ông lớn" trong làng công nghệ, truyền thông đã mua các công ty podcast khởi nghiệp mấy năm trở lại đây, chẳng hạn Spotify Technology SA mua Gimlet Media năm 2019 với giá hơn 200 triệu USD. Hồi tháng Bảy năm nay, hãng New York Times (sở hữu tờ báo tên tuổi New York Times) cho biết sẽ mua công ty Serial Production- hãng sản xuất chương trình podcast đình đám có tên “Serial” với giá khoảng 50 triệu USD.
Công ty nghiên cứu Podtrac cho biết, Wondery hiện là hãng sản xuất podcast phổ biến thứ sáu tại Mỹ tính tới tháng 9/2020. Khi tham gia thị trường podcast, Amazon sẽ phải bắt kịp với hãng Apple bởi hiện Apple đang cho người nghe podcast miễn phí và hãng Spotify cũng đã đầu tư hàng trăm triệu USD để chạy đua có được những chương trình hot và thu hút tài năng. Mặc dù Amazon đang bước vào một lĩnh vực đầy cạnh tranh, các nhà quản lý của công ty này cho biết họ có thể tạo được sư khác biệt so với các đối thủ như cách mà họ đã tiến hành khi cho ra tính năng phát nhạc (music streaming), thu hút lượng người nghe podcast mới, nhất là thông qua ứng dụng loa gia đình kích hoạt bằng giọng nói. Số người đăng ký dịch vụ nhạc của Amazon hiện nay chỉ ít hơn so với của hãng Spotify và Apple Music.