Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam ghi nhận, đầu tư công sẽ là một động lực then chốt cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, giúp thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác. Cùng với việc nhanh chóng chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ trong tháng 3, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại tác động đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.
Ngân hàng này tính toán dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỉ USD trong năm nay; trong đó, 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương để giải ngân từ tháng 1/2023.
Tuy nhiên, đẩu tư nước ngoài vẫn bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu. Vốn FDI đăng ký mới giảm 38% và giải ngân giảm 4,9% trong 2 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Thâm hụt tài khóa trong năm 2023 có thể cao hơn chỉ tiêu thâm hụt của năm là 4,4% GDP.
Trong tương lai, ADB khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục cải cách để đảm bảo tài chính bền vững hơn, giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các nguồn thu không bền vững như đất đai và dầu thô.
Theo báo cáo của ADB, một động lực khác là sự hồi phục của mảng dịch vụ và tiêu dùng nội địa. Lượng khách du lịch Trung Quốc bắt đầu quay trở lại Việt Nam từ ngày 15/3 được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho ngành du lịch và dịch vụ ở Việt Nam, với dự báo tăng trưởng của ngành đạt 8% trong năm nay.
Tuy nhiên, thị trường trong nước vẫn đang chịu áp lực. Mặc dù sự bất ổn của thị trường vẫn chưa gây ra những rủi ro hệ thống do khả năng chống chịu của các ngân hàng vẫn tốt, song rủi ro ngày càng hiện hữu.
Về dài hạn, ADB khuyến nghị cần duy trì cải cách lĩnh vực tài chính để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn ngân hàng và nâng cao tính minh bạch trên thị trường vốn.
ADB cũng dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng nhanh hơn trong năm nay, với mức tăng trưởng 4,8% trong năm nay và năm sau, cải thiện so với tốc độ tăng trưởng 4,2% vào năm 2022.