Theo đó, sẽ trình Chính phủ phê duyệt 5 quy hoạch vùng trong nửa đầu năm 2024 theo tinh thần tại Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội; đồng thời, xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch 5 vùng sau khi được phê duyệt.
Tính đến ngày 28/12/2023, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt; trong đó, 59 quy hoạch đã được phê duyệt; 21 quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt; 23 quy hoạch đã thẩm định xong, đang hoàn thiện theo ý kiến thẩm định; 5 quy hoạch đang trong quá trình thẩm định.
Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và được thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Theo Thứ trưởng Phương, năm 2023, công tác quy hoạch đã có sự thay đổi rõ rệt trong tư duy và hành động theo hướng chủ động, kiến tạo, phát triển và tăng cường liên kết để phát triển, thực hiện thống nhất các chu trình: chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định 5 quy hoạch vùng, 59/63 quy hoạch tỉnh (trong đó 50 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt) bảo đảm phát triển có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên.
Phát huy vai trò là cơ quan đầu mối trong công tác tham mưu cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội các vùng và địa phương, năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Bộ trình Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp. Hồ Chí Minh, phát triển Thủ đô Hà Nội, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập, kiện toàn Hội đồng điều phối 6 vùng kinh tế - xã hội và vùng Thủ đô.
"Cùng với đó, Bộ tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để thúc đẩy liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, giải quyết các vấn đề có tính vùng và tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước", lãnh đạo Bộ cho hay.
Ngoài ra, trong công tác quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội qua 3 Kỳ họp để ban hành Luật Quy hoạch. Theo đó, cắt giảm hơn 20.000 quy hoạch trước đây xuống còn 111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và 39 quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành; từ 50 quy hoạch ngành cấp tỉnh tích hợp trong 01 quy hoạch tỉnh duy nhất.
Qua đó, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, tổ chức lại không gian phát triển của các ngành và địa phương; vận dụng hiệu quả cơ chế thị trường để loại bỏ hơn 3.000 quy hoạch sản phẩm các loại, giúp loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh và giấy phép con.
Bên cạnh đó, công tác kế hoạch, quản lý nhà nước đã thay đổi tư duy mạnh mẽ, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, tập trung vào nghiên cứu những vấn đề lớn của đất nước ở tầm vĩ mô, như chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, mô hình kinh tế mới…
"Việc hoàn thành mục tiêu cơ bản trình, phê duyệt xong các quy hoạch trong năm 2023, tạo không gian mới, động lực tăng trưởng mới, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương trong trung và dài hạn", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.