Tại buổi Tọa đàm “Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay 18/9, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết tiến độ xử lý, khắc phục về tài chính tại 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương.
Trong 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương có 6 doanh nghiệp đang nằm trong kế hoạch tái cơ cấu, 4 dự án đang giảm lỗ là Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ... ;3 dự án còn dang dở đang tính toán lại, có những dự án sử dụng biện pháp kiên quyết như Nhà máy giấy Phương Nam thì sẽ bán chứ nhà nước không hỗ trợ gì nữa để thu hồi vốn, Thép Thái Nguyên cơ cấu lại tìm người mua.
Ông Tiến cho rằng, quá trình khắc phục 12 dự án thua lỗ đang được cơ cấu theo nhiều hướng khác nhau nhưng khó khăn vẫn còn phía trước và sắp tới sẽ có nhiều khó khăn hơn bởi càng để lâu càng phát sinh nhiều vấn đề.
“Chúng ta kiên quyết làm theo thị trường thì chúng ta phải chấp nhận, có dự án bán không được thì phải chấp nhận phá sản, có dự án không bán được thì phải chuyển hình thức khác”, ông Tiến cho hay.
Ông Tiến cho rằng, có nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý rất phức tạp, như Đạm Ninh Bình liên quan đến nhà thầu hay việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) muốn dùng vốn của mình để xử lý hai dự án thua lỗ của mình là Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và Xơ sợi Đình Vũ PVTex.
“Quan điểm của Bộ Tài chính nếu có phương án hiệu quả và bộ ngành kiểm soát được hiệu quả đó thì không có lý do gì không đầu tư cho hiệu quả hơn, ngay cả việc báo cáo Quốc hội bổ sung vốn nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả rồi bán”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 12 đại dự án của ngành Công Thương, chủ trương của Đảng và Nhà nước đây là các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Chúng ta chỉ cần đảm bảo thu hồi vốn, bán đi là đúng đắn.
Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc lớn nhất của các dự án này hiện nay là vấn đề pháp lý. Ông Hùng chỉ ra những vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp như: Xác định giá của doanh nghiệp; Xử lý quyền sử dụng đất, xác định giá đất; Xử lý mối quan hệ với tổng thầu…
“Nếu không giải quyết được thì rất khó vì khó tìm được nhà đầu tư bỏ vốn vào đó tiếp tục vì pháp lý phức tạp. Cơ quan nhà nước phải cùng doanh nghiệp xử lý và xác định bán cho ai mới thu hút nhà đầu tư tiềm năng vào”, ông Hùng nhấn mạnh.
Về vấn đề bán cho ai, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, bán cho tư nhân trong nước thì không vấn đề gì nhưng nếu bán cho công ty tư nhân nước ngoài thì phải xem xét có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia an ninh hay không?