108 chung cư có tranh chấp chủ đầu tư – cư dân

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.200 chung cư cao tầng, TP Hà Nội có khoảng 800 chung cư, tổng cộng các thành phố trong cả nước có khoảng 3.000 chung cư. Trong số này có 108 chung cư đang xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, chiếm khoảng 3%.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, các tranh chấp chung cư đang gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh của xã hội, cũng như quyền lợi của người dân, quyền lợi của chủ đầu tư. Việc xảy ra tranh chấp ở chung cư không chỉ tại Việt Nam, mà ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ khác như: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia… Các tranh chấp chủ yếu diễn ra trong việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành; xác định diện tích sử hữu chung - riêng; quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì; công tác phòng cháy chữa cháy chung cư…

Chú thích ảnh
Có gần 3% số chung cư hiện nay xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân. Ảnh: Hoàng Dương/TTXVN

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển nhà ở. Nhiều địa phương đã tích cực triển khai Chiến lược phát triển nhà ở, trong đó việc phát triển các khu chung cư cao tầng, khu liền kề, đáp ứng được nhu cầu cao về nhà ở của người dân. Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Xây dựng quy định ở các thành phố lớn, đô thị, đặc biệt ở các đô thị cấp 1, tỷ lệ nhà chung cư phải chiếm 80%. Do vậy, việc quản lý, vận hành nhà chung cư là vấn đề hết sức cấp bách cũng như lâu dài.

Đặc biệt, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Luật Nhà ở 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đã giúp việc quản lý, sử dụng nhà chung cư từng bước đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cải thiện điều kiện ở và tạo được môi trường sinh sống cho người dân văn minh hơn. Tuy nhiên, các tranh chấp vẫn xảy ra.

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, khung luật pháp gồm có Luật, Nghị định, Thông tư, quy chuẩn để xử lý tương đối đầy đủ. Tới đây, việc bổ sung, sửa đổi các quy định sẽ chú trọng vào chế tài quy trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm, kể cả chính quyền địa phương, UBND các cấp, những đơn vị trực tiếp xử lý và có quyền xử lý tranh chấp, nhằm yêu cầu các địa phương có nhiều tranh chấp chung cư phải chỉ đạo giải quyết dứt điểm trách nhiệm, đảm bảo các chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định pháp luật.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Công bố 9 chủ đầu tư ‘chây ì’ xử lý nợ quỹ bảo trì chung cư
Công bố 9 chủ đầu tư ‘chây ì’ xử lý nợ quỹ bảo trì chung cư

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố 9 chủ đầu tư (CĐT) “chây ỳ” không chịu trả quỹ bảo trì chung cư cho cư dân, làm cơ sở để trình thành phố phương án cưỡng chế các CĐT thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Luật Nhà ở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN