Hiện nay, kinh tế biển Kiên Giang phát triển khá toàn diện, chiếm gần 80% GRDP của tỉnh, với các tiềm năng, lợi thế về biển đảo khai thác hiệu quả giúp cho quy mô nền kinh tế tỉnh này đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, kinh tế biển có bước phát triển khá toàn diện, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Một số lĩnh vực tập trung khai thác có hiệu quả kinh tế cao, gồm: Khai thác hải sản xa bờ sản lượng 500.000 - 600.000 tấn/năm, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển đa dạng, đạt hơn 217.000 tấn/năm; trong đó tôm nuôi 80.000 tấn/năm trở lên...
Tiếp đến, du lịch biển, hải đảo đã và đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng ngành du lịch của tỉnh với “đảo ngọc Phú Quốc”, quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), Hải Tặc (Hà Tiên)... góp phần đưa du lịch Kiên Giang trở thành ngành kinh tế của tỉnh. Ngoài ra, Kiên Giang còn nhiều những lĩnh vực, ngành nghề kinh tế biển khác đang được quy hoạch, đầu tư khai thác, phát triển.
Theo đó, tỉnh Kiên Giang hoàn thành, phê duyệt và triển khai thực hiện nhiều quy hoạch, chương trình, đề án, dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển. Cụ thể là quy hoạch, phát triển đô thị ven biển, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo; các ngành nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản…
Nhiều dự án giao thông đường bộ, cảng biển, sân bay, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm y tế và hạ tầng du lịch vùng ven biển, hải đảo được đầu tư phát triển. Một số dự án du lịch quy mô lớn hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác phục vụ khách du lịch… Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, du lịch biển phát triển khá mạnh, thu hút tổng lượng du khách đạt trên 28,2 triệu lượt khách.
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Kiên Giang duy trì là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030. Kiên Giang trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển vào năm 2025, nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực và cả nước vào năm 2030.
Ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, Kiên Giang tập trung phát triển kinh tế biển trở thành thế mạnh của tỉnh. Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, chuyển mạnh nuôi trồng thủy sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển, ứng dụng công nghệ nuôi biển hiện đại ở vùng khơi.
Tỉnh xây dựng các đội tàu mạnh, khai thác xa bờ; tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi thủy sản gần bờ, đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Kiên Giang tập trung phát triển du lịch và dịch vụ biển; trong đó, đầu tư hạ tầng cho du lịch, nhất là các vùng du lịch trọng điểm, du lịch biển đảo, ven biển như: Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Rạch Giá; xây dựng phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế. Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp năng lượng, thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện mặt trời và năng lượng tái tạo khác.
Ở lĩnh vực phát triển kinh tế hàng hải, tỉnh đầu tư phát triển các cảng trọng điểm tại Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải. Bên cạnh đó, phát triển đội tàu vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng vận tải quốc gia, phát triển thêm các tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo phục vụ hoạt động du lịch, nghiên cứu phát triển tuyến vận tải ven biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.
Tỉnh cũng xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không kết nối với các vùng, địa phương trong nước và quốc tế; chú trọng tiếp tục phát triển các đường bay từ Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đến các nước khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Đức, Australia, Pháp, Anh, Ấn Độ. Tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc và nghiên cứu kêu gọi đầu tư xây dựng sân bay trên biển tại thành phố Rạch Giá.
Cùng với phát triển các lĩnh vực, ngành nghề kinh tế biển, Kiên Giang tập trung huy động nguồn lực phát triển các đô thị biển đảo động lực là Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương... nhằm tạo động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.