Đưa Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa thành công tốt đẹp. Đại hội đề cao tinh thần “đoàn kết, dân chủ, đổi mới, trí tuệ, phát triển”, thể hiện quyết tâm chính trị nhằm tạo bước đột phá; mở ra nhiều cơ hội cho Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch.

Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020-2025 Dương Văn An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về kết quả Đại hội, những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Đảng bộ tỉnh triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ mới.

Chú thích ảnh
Đồng chí Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận phát biểu bế mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Xin đồng chí cho biết những kết quả  chính của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025?
 
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 được tiến hành với tinh thần “đoàn kết, dân chủ, đổi mới, trí tuệ, phát triển”. Sau gần bốn ngày làm việc (từ 13-16/10/2020), Đại hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tất cả các khâu, các nội dung của Đại hội được tiến hành chặt chẽ, chu đáo, chấp hành nghiêm các quy định và hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Các đại biểu đã nêu cao trách nhiệm, tham gia phát biểu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết để xây dựng báo cáo chính trị, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII; dự thảo Nghị quyết, Chương trình hành động của Đại hội; các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Tại Đại hội, đã có 32 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường; đồng thời, Đoàn Chủ tịch Đại hội đã nhận được 77 tham luận, ý kiến thảo luận gửi đến Đại hội.
 
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đại tướng Lương Cường, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu chỉ đạo Đại hội và các ý kiến tham luận, thảo luận của đại biểu, Đại hội thông qua các dự thảo văn kiện và khẳng định quyết tâm: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch”. Đại hội đã xác định thời gian tới, cần quyết tâm phát triển 3 trụ cột của kinh tế tỉnh nhà là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, đồng thời xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá để đưa tỉnh Bình Thuận phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đây là kết tinh trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà; là kết quả của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo Cương lĩnh chính trị và đường lối, chủ trương Nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế của tỉnh Bình Thuận.
 
Đối với công tác nhân sự, Đại hội đã phát huy dân chủ, trách nhiệm, xem xét, lựa chọn, bầu 50 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV với tỷ lệ đồng thuận cao. Đồng chí đạt tỷ lệ đồng ý cao nhất là gần 99%, đồng chí có tỷ lệ thấp nhất cũng đạt trên 71%. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV có 8 đồng chí nữ (16%), 36 đồng chí tái cử và 14 đồng chí lần đầu vào Ban Chấp hành. Về trình độ, có 1 đồng chí có trình độ Tiến sĩ, 24 đồng chí là Thạc sĩ, còn lại là trình độ Cử nhân. Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành khóa XIV, Ban Chấp hành đã bầu 14 đồng chí vào Ban Thường vụ, bầu Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy, bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với tỷ lệ đồng thuận rất cao, nhiều đồng chí đạt 100%. Đây là những đồng chí có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực uy tín, đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện, có thể đảm đương được trọng trách được phân công. Kết quả này cho thấy không khí Đại hội thực sự dân chủ, đoàn kết, có sự thống nhất cao, là thành công của Đại hội về công tác nhân sự.

Để thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, Đại hội đã đề ra mục tiêu, giải pháp chủ yếu gì trong nhiệm kỳ mới, thưa đồng chí?

Nhiệm kỳ 2020 - 2025 là một chặng đường mới, có khó khăn nhưng nhiều thời cơ, thuận lợi hơn trước. Những nền tảng mà các thế hệ đi trước tạo dựng như hạ tầng giao thông, thủy lợi, quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dựng bộ mặt đô thị, nông thôn; bồi dưỡng nguồn lực con người,… đã và đang phát huy hiệu quả. Đường cao tốc nối Phan Thiết với Dầu Giây – Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã được khởi công. Sân bay Phan Thiết cũng sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới... Có thể thấy, 5 năm tới là chặng đường mới, mở ra nhiều cơ hội để Bình Thuận bứt phá đi lên, phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng, du lịch theo Nghị quyết Đại hội đã được thông qua.

Nghị quyết Đại hội đã khẳng định nhiệm kỳ tới sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuỗi giá trị, đó là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp. Đối với công nghiệp, thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, tập trung vào những dự án ít ảnh hưởng đến môi trường như điện mặt trời, điện gió (nhất là điện gió ngoài khơi) và điện khí hóa lỏng LNG. Tỉnh Bình Thuận có tiềm năng rất lớn về bức xạ mặt trời và năng lượng gió nên cần phải phát huy tối đa tiềm năng này, biến tiềm năng tự nhiên thành nguồn lực cho sự phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, như các ngành phụ trợ cho ngành điện (thiết bị điện, điện tử, tấm pin mặt trời...), chế biến nông, lâm, thủy sản. 

Đối với du lịch, tỉnh Bình Thuận tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm nhằm nâng cao sức hẫn dẫn, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với những lợi thế về cảnh quan, khí hậu, thương hiệu đã tạo dựng bấy lâu nay, tỉnh sẽ xây dựng khu du lịch Mũi Né trở thành khu du dịch quốc gia, có đẳng cấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong nước và quốc tế, làm hạt nhân lan tỏa cho du lịch của tỉnh.

Đối với nông nghiệp, tỉnh tiếp tục dành nguồn lực của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để phát triển hệ thống thủy lợi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành những vùng chuyên canh lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến. Cùng với đó, có các hình thức thích hợp để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi, đánh bắt xa bờ và nuôi hải sản trên biển.

Để Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV sớm đi vào cuộc sống, xin đồng chí cho biết những việc cần triển khai ngay sau Đại hội?

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ bắt tay ngay vào việc triển khai học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động cho cả nhiệm kỳ 5 năm, song song với tập trung giải quyết những công việc được Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ trước chuyển giao. Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng sẽ tiến hành sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp, để từng đồng chí trong Ban Chấp hành có thể phát huy tốt nhất trình độ, năng lực, sở trường, thực hiện “tròn vai” các nhiệm vụ được phân công. Quá trình này, phải thực hiện theo phương châm: "Vì công việc mà chọn người phù hợp, chứ không phải vì người mà bố trí công việc"; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
 
Tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực của địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất, tập trung vào 3 trụ cột nêu trên. Vấn đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cũng được ưu tiên để tạo niềm tin đối với doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường thu hút đầu tư của tỉnh.

Trân trọng cảm ơn đồng chí.

Nguyễn Thanh/TTXVN (thực hiện)
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII: Tiếp thu tối đa những góp ý có lợi cho đất nước, cho Nhân dân
Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII: Tiếp thu tối đa những góp ý có lợi cho đất nước, cho Nhân dân

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 159-TB của Bộ Chính trị về việc thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Đại hội Đảng bộ các cấp, gửi lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được công bố, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân từ ngày 20/10 đến ngày 10/11/2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN