Mua bán cá cơm tại xã vùng biển bãi ngang Quảng Công, huyện Quảng Điền. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN |
Đến thời điểm hiện tại, thị trấn Thuận An có đến 50% tàu đánh bắt xa bờ trúng đậm nhiều mẻ cá nục. Một số ngư dân khi phát hiện có luồng cá nục lớn đã gọi các tàu khác đến cùng đánh bắt. Điển hình, ngư dân Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) đánh bắt được mẻ cá nục hơn 7 tấn, thu hơn 200 triệu đồng, trừ mọi chi phí, ông thu lãi 130 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Văn Hòa ở thị trấn Thuận An có 3 chuyến ra khơi đánh bắt trong tháng 8/2017, mỗi chuyến đánh bắt đạt sản lượng từ 6 - 7 tấn; thu lãi toàn bộ hơn 100 triệu đồng.
Ông Đoàn Thao, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang cho biết, kiểm tra tình hình đánh bắt của ngư dân trên địa bàn thấy phần lớn các tàu đều đánh bắt hiệu quả, có lãi, các loại hải sản cũng khá đa dạng như: nục, ngừ, thu, chủa, cờ... Riêng khoảng từ giữa tháng 8 đến nay ngư dân đều được mùa đánh bắt cá nục.
Mỗi chuyến đánh bắt chỉ 5 - 7 ngày, tàu khai thác được ít nhất cũng 3 - 4 tấn, nhiều thì 6 - 7 tấn. Giá cá nục khi xảy ra sự cố môi trường biển chỉ còn 15.000 đồng/kg, nay tăng lên gấp đôi. Các loại cá ngừ, cá chủa, cá thu... có giá bình quân từ 80.000 - 120.000 đồng/kg nên ngư dân hết sức phấn khởi.
Trước đó, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2017, ngư dân vùng biển các xã Quảng Công và Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), tỉnh Thừa Thiên - Huế trúng đậm mùa cá cơm. Mỗi ngày, trung bình mỗi thuyền ra khơi 2 - 3 chuyến đạt sản lượng gần 1 tấn cá/thuyền/chuyến. Trúng mùa, giá cao (8.000 đồng/kg - 10.000 đồng/kg) và được các thương lái thu mua toàn bộ sản phẩm nên ngư dân rất phấn khởi.
Tại xã vùng biển Quảng Công và Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền cảnh mua bán cá cơm diễn ra nhộn nhịp khi có thuyền cập bến. Ông Võ Đông Thi, Phó Bí thư thường trực xã Quảng Công cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 15 chiếc thuyền đánh bắt cá cơm, có ngày đánh bắt được khoảng 40 tấn cá tươi.
Theo kinh nghiệm của ngư dân cứ sáng sớm ra bãi biển, theo dõi con nước, nhìn về phía xa chừng vài trăm mét, trông rất rõ những mảng trắng, dấu hiệu của cá cơm đang bơi vào gần bờ.
Những đàn cá cơm ngoi lên mặt nước trắng cả một vùng biển rộng lớn cách bờ chừng 200 - 500m. Các thuyền đồng loạt "bủa xăm" để vây kéo cá cơm. Mỗi lần bủa xăm kéo dài chừng 45 - 50 phút thu được với cả tấn cá cơm; việc bủa lưới cứ thế kéo dài cả buổi và thưa dần về sau nhưng cũng mang về từ 5 - 7 tạ cá cơm/chuyến.
Nhiều ngư dân trong vùng chia sẻ, nhiều năm qua, cá gần bờ ngày càng ít dần, có khi cạn kiệt do giã cào, đánh mìn, te "quệu" nên nhiều hộ bỏ nghề "bủa xăm"; gần đây các loại cá bắt đầu nhiều hơn, xuất hiện ở gần bờ nên ngư dân đã khôi phục lại nghề cũ. Chị Trần Thị Cúc, ở xã Quảng Công nhẩm tính, cá cơm tươi hiện nay có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, nếu phơi khô có giá 100.000 đồng/kg. Với giá đó, thuyền của gia đình chị được hơn 2 tấn, bán hơn 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi nhận được kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân ở các vùng biển trong tỉnh đã đầu tư mở rộng ngư lưới cụ; mua sắm các trang thiết bị máy móc hỗ trợ đánh bắt hải sản như máy dò cá, đèn LED, hầm bảo quản cá hiện đại hơn.
Cùng với đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn, gần đây, ngư dân còn đa dạng hóa ngành nghề khai thác, như giã cào, lưới mành, vây rút chì, câu mực... Các địa phương thành lập 72 chi hội nghề cá, hình thành hệ thống quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng, bảo vệ ngư trường.
Điều đáng mừng là môi trường biển được khôi phục nhanh chóng, sản lượng đánh bắt tăng, giá các loại hải sản thu mua tại chỗ tăng dần, nhiều loại đã ngang bằng với trước đây, như khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, làm tốt việc bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển cũng tạo động lực cho ngư dân tăng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh có 41.766 đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 28 xã, thị trấn vùng ven biển, đầm phá được nhận tiền bồi thường với số tiền 1.010 tỷ đồng.
Hiện, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tập trung vào chuyển đổi nghề, phát triển nghề biển, nhất là dành nguồn kinh phí bồi thường để cải tạo vùng nuôi trồng thủy sản và mua con giống (tôm, cua, cá) để nuôi trồng trên đầm phá nhằm ổn định sinh kế bền vững. Ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành và địa phương vùng ven biển triển khai đề án khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển.
Ngành thủy sản của tỉnh đã từng bước khôi phục sản xuất, đánh bắt trên biển, tạo ra một hướng đi trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng ven biển, đầm phá, giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy sự ổn định và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư ở vùng đầm phá, ven biển...