Nghiệp đoàn nghề cá tạo sự chuyển biến trong chống khai thác IUU

Nhờ thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, vận động xây dựng tổ sản xuất an toàn trên biển và đẩy mạnh hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển nên khu vực biên giới biển của Phú Yên được giữ vững, không có trường hợp tàu thuyền, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Đoàn công tác tỉnh Phú Yên và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tiếp cận tàu cá của ngư dân Phú Yên để kiểm tra. Ảnh: TTXVN phát

Phát huy vai trò tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá

Nghiệp đoàn nghề cá Phường 6 (thành phố Tuy Hòa) được thành lập vào năm 2012 với dự tham gia của 150 thành viên là thuyền trưởng, chủ phương tiện tàu thuyền. Đến nay, số lượng thành viên tăng lên 175 người với 121 phương tiện hoạt động đánh bắt xa bờ. Những năm gần đây, qua tuyên truyền, vận động của nghiệp đoàn, ngư dân đã nhận thức được những tác hại của việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nên đã chấp hành nghiêm các quy định đánh bắt hải sản trên biển.

Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phường 6 (thành phố Tuy Hòa) cho biết, từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong Ban chấp hành Nghiệp đoàn đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng các đơn vị liên quan thực hiện hàng trăm lượt tuyên truyền, vận động trực tiếp tại nhà các chủ phương tiện, thuyền trưởng trên địa bàn. Nghiệp đoàn đã cấp phát hơn 1.250 tờ rơi, vận động ký hơn 200 bản cam kết chấp hành quy định về chống khai thác IUU, hơn 60 bản cam kết chấp hành quy định về sử dụng ngư, lưới, cụ cấm khai thác đối với các phương tiện hành nghề giã cào trên biển.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, các địa phương, tổ chức, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển”, qua đó thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Tham gia trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển” do Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam (thị xã Đông Hòa) phát động từ năm 2016, ngư dân Huỳnh Kim Hoàng (phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa) cam kết thực hiện tốt những nội dung của mô hình “Tổ sản xuất an toàn trên biển” mà Bộ đội Biên phòng đã triển khai. Anh Hoàng cũng nâng cao trách nhiệm trong việc vận động những ngư dân khác tham gia khai thác hải sản kết hợp kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Ngư dân Huỳnh Kim Hoàng chia sẻ rằng thường xuyên nhắc nhở bạn thuyền không khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài vì điều này ảnh hưởng chung đến việc gỡ thẻ vàng IUU cho ngành thủy sản Việt Nam. Trong quá trình khai thác, anh Hoàng cùng các thành viên Tổ hợp tác khai thác trên biển đã cứu hộ được 26 tàu cá bị nạn; đồng thời lai dắt nhiều tàu cá bị hỏng máy về bờ an toàn. Khi gặp ngư trường thuận lợi, ngư dân chia sẻ với các tàu thuyền khác để nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó gắn kết cùng nhau giữ gìn biển đảo quê hương.

Tỉnh Phú Yên hiện có khoảng 120 tổ đội sản xuất an toàn trên biển với 926 tàu thuyền và gần 8.000 lao động. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh không có trường hợp tàu thuyền đánh bắt hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, hoạt động gắn kết của các tổ, đội tàu thuyền đã giúp bà con ngư dân cùng nhau giữ vững ngư trường; tăng cường sự gắn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau khi gặp những bất trắc xảy ra trong lúc khai thác hải sản trên biển. Mô hình này vừa giúp giảm rủi ro trên biển, vừa giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế cho ngư dân.

Chú thích ảnh
Chủ tàu và Cán bộ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) là 1 trong 25 xã, phường khu vực biên giới biển của tỉnh Phú Yên. Toàn xã hiện có 85 tàu cá; trong đó có 63 tàu cá có công suất lớn. Hoạt động đánh bắt hải sản là ngành nghề quan trọng của xã trong phát triển kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội. Từ năm 2019 đến nay, xã An Ninh Tây đã thành lập 8 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 96 thành viên.

Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây Nguyễn Thanh Minh cho biết, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, hội đoàn thể của địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chủ quyền biển đảo; đồng thời phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh trật tự khu vực biên giới biển.

Đi đôi với tuyên truyền, địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng An Hải vận động ngư dân ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, bao gồm không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác, đánh bắt hải sản trái phép; bảo vệ đường ống dẫn khí trên biển…Thông qua hoạt động của các mô hình này, lãnh đạo địa phương và các đơn vị nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ngư dân và tình hình trên biển; qua đó kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi ngư dân gặp khó khăn, hoạn nạn.

Thị xã Đông Hòa có chiều dài bờ biển 36 km với địa hình có nhiều dãy núi nhô ra biển, có vịnh Vũng Rô, cửa sông Đà Nông và Mũi Đại Lãnh được xác định là điểm để tính mốc đường cơ sở tiếp giáp với đất liền.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa Nguyễn Văn Hồng, địa phương chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức trong nhân dân về các đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Từ năm 2017 đến nay, UBND thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo đến nhân dân.

Việc tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành và tổ chức, đơn vị tại thị xã Đông Hòa được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như: Thông qua tổ chức hội nghị; lồng ghép qua các hoạt động của tổ chức, đoàn thể; trên hệ thống truyền thanh của thị xã; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tổ sản xuất an toàn trên biển… Qua đây góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến trong hành động của toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên cho biết, các lực lượng vũ trang của tỉnh đã cùng với các ngành và địa phương nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo.

Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh vận động quần chúng, thực hiện “3 bám, 4 cùng” để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển và an ninh trật tự khu vực biên giới biển của tỉnh” được triển khai có hiệu quả và ngày càng phát triển cả diện rộng lẫn chiều sâu, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển.

Tường Quân (TTXVN)
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Giải quyết 4 vấn đề trọng tâm chống khai thác IUU
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Giải quyết 4 vấn đề trọng tâm chống khai thác IUU

Từ nay đến tháng 4/2024 là thời điểm Đoàn Thanh tra của Uỷ ban Châu Âu (EC) sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5, tỉnh Kiên Giang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN