Đáy hàng khơi là một công cụ đánh bắt thủy hải sản, bao gồm hệ thống các thiết bị như: Cột đáy, rượng đáy, đõi đáy, nèo đáy, miệng đáy bằng lưới có hình chóp giăng ngang dòng nước chảy ở biển để bắt tôm cá các loại.
Trăm năm hình thành và phát triển
Làng nghề đóng đáy hàng khơi thị trấn Mỹ Long nằm bên bờ hữu ngạn cửa biển Cung Hầu, tiếp giáp với Biển Đông. Xưa kia, thị trấn Mỹ Long có tên gọi là Bến Đáy. Cư dân hiện nay ở thị trấn Mỹ Long gần như không còn ai nhớ rõ nghề đóng đáy hàng khơi được hình thành từ khi nào. Hầu hết mọi người chỉ biết qua sự truyền miệng của nhiều thế hệ rằng nghề đóng đáy hàng khơi ở thị trấn Mỹ Long được hình thành đã hơn 100 năm. Những cư dân đặt chân lên vùng đất ven biển này và định cư rồi khai mở nghề đóng đáy để sinh sống đến từ các vùng Nam Trung bộ như: Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Thiết…
Minh chứng rõ nhất về hơn 100 năm quá trình hình thành nghề đóng đáy hàng khơi ở đây là dựa vào niên đại xây dựng ngôi Miếu thờ bà Chúa Xứ, thờ bài vị đức ông Nam Hải (cá Voi) và Lễ hội cúng biển ở thị trấn Mỹ Long được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ông Trần Văn Lùng, Chánh bái Miếu bà Chúa Xứ, thị trấn Mỹ Long cho biết, ở thập niên 1870, vùng đất ven biển này có cụ Cao Văn Huyền quê tỉnh Bến Tre đến đây lập nghiệp. Trước kia, người dân dùng ghe chèo làm nghề đóng đáy trên sông, sau đó cụ Huyền đã dùng thuyền buồm thay cho ghe chèo để đóng đáy ngoài biển. Nhờ đó, nghề đóng đáy hàng khơi bắt đầu theo thời gian, ngày một phát triển. Tôm cá ở sông không nhiều bằng ngoài biển nên người đóng đáy sông chuyển sang đóng ghe lớn, thuê thanh niên giỏi bơi lặn vươn ra biển cắm những hàng cọc đáy, giăng lưới để đóng đáy ngoài khơi. Nghề đóng đáy hàng khơi ở thị trấn Mỹ Long lúc bấy giờ được xem là thời hoàng kim, ngư dân làng nghề đều có cuộc sống sung túc.
Để ghi nhớ công ơn người khai mở nghề đóng đáy hàng khơi của xứ sở, khi cụ Cao Văn Huyền mất, cư dân thị trấn Mỹ Long đã đưa bài vị ông thờ tự bên cạnh bài vị đức ông Nam Hải. Đây là minh chứng cho thấy nghề đóng đáy hàng khơi ở Mỹ Long đã có hơn trăm năm hình thành và phát triển.
Nghề cha truyền con nối
Làng nghề đóng đáy hàng khơi thị trấn Mỹ Long hiện có lão ngư Trần Văn Thành. Năm nay, hơn 70 tuổi, ông được ngư dân làng nghề tôn vinh là “kình ngư”, do dày dặn kinh nghiệm trong nghề.
Ông Thành cho biết, nghề đóng đáy hàng khơi cũng giống như các nghề truyền thống nhưng có đặc thù là đều được truyền dạy kỹ năng, kinh nghiệm từ đời này sang đời khác. Theo đó, các thanh niên ở tuổi 16 phải học bơi lặn thật giỏi, đi ghe thành thục. Ngoài ra, biết nhìn sao trên trời để dự đoán về thời tiết biển hay mưa bão bất thường…
Theo ông Thành, ngoài biển khơi mênh mông nước, để dựng lên một dải đáy, công việc đầu tiên đòi hỏi người làm nghề cần định vị đúng dòng chảy của luồng lạch để cắm những hàng cột đáy liên hoàn nối tiếp nhau ngang luồng lạch. Cột đáy thường được ngư dân sử dụng từ thân cây dừa, cây sao, cắm cách nhau khoảng 5 -10m, chắn ngang dòng chảy của nước. Giữa các cột đáy có rượng đáy được cột cố định bằng cây tre hoặc dây kẽm nằm ngang, cách mặt nước biển chừng 1,5-2,5 m vừa để giữ vững cột đáy, vừa làm “con đường” trên không để đi lại từ miệng đáy này sang miệng đáy kia. Miệng đáy rộng được làm bằng loại lưới đan thành hình chóp, đuôi thắt gọi là “đục đáy”. Miệng đáy được bắt cố định vào giữa hai cột đáy phía trên và dưới để hứng tôm cá di chuyển theo dòng nước chảy... Tất cả những kinh nghiệm từ đi biển, xem thiên văn, việc chọn luồng lạch, kỹ thuật cắm hàng đáy, phương cách trải đáy... đều được truyền dạy từ cha sang con, hết đời này sang đời khác.
Anh Nguyễn Văn Hải, một người làm thuê đóng đáy hàng khơi (còn được gọi là "bạn đáy") đã hơn 15 năm cho biết, các thanh niên trong làng từ 15-16 tuổi sẽ bắt đầu theo cha lên ghe học nghề. Thời gian học hỏi, đúc kết kinh nghiệm ít nhất từ 2-4 năm mới có thể một mình tự chủ đi biển làm nghề đóng đáy.
Theo anh Hải, nghề đóng đáy hàng khơi có nhiều khác biệt so với nghề đóng đáy bằng đáy bè hay đáy cọc trên các sông. Đáy hàng khơi đóng ở ngoài biển cách xa đất liền ít nhất là khoảng 20 km, có lòng lạch biển sâu từ 20-25m. Để có một dãy hàng đáy ngoài biển khơi là cả một quá trình lao động mệt nhọc, kinh nghiệm, hiểu biết về quy luật thiên nhiên nhằm lợi dụng sức gió, sức nước, dòng chảy mới có thể dựng được những cây cột đáy xuống biển.
Trong nghề đóng đáy hàng khơi, “bạn đáy” là người đối mặt với nguy hiểm nhất để mưu sinh so với “bạn tàu” chỉ lo công việc chuyên chở cá tôm, cung cấp lương thực, nước uống. Ngoài kinh nghiệm đi biển, bơi lội giỏi, “bạn đáy” còn phải thích nghi với cuộc sống giữa biển khơi ở căn chòi nhỏ treo lơ lửng trên những cột đáy. Mỗi chòi có diện tích khoảng 4 -10 m2, có 2-3 người ở cùng để đóng đáy, thu hoạch, quản lý và bảo vệ hàng đáy. Hàng tháng, theo hai con nước rong vào ngày Rằm và ngày 30 âm lịch, thủy triều dâng cao, “bạn đáy” phải sống nơi biển khơi khoảng 20 ngày để làm các công việc đi dây, đu dây, thả lưới, kéo đáy thu hoạch tôm cá.
Bất kể sớm hay khuya, trời nắng hay mưa, họ phải canh con nước lớn thì trải đáy, nước ròng gần cạn kéo đáy thu hoạch. Xong việc đóng đáy họ lại bắt đầu giặt đáy, phơi đáy. Một tháng, khi vào con nước “kém” vào những ngày từ 20 -25 âm lịch, hoặc từ mùng 10-15 âm lịch, thủy triều không dâng cao, nước ít chảy xiết, họ mới trở về đất liền. Khi đến con nước rong, họ lại bắt đầu công việc mưu sinh nơi biển cả.
Nghề đóng đáy hàng khơi có một quy luật bất thành văn trong mối quan hệ giữa chủ đáy và “bạn đáy”. Cứ mỗi hàng đáy từ 10-15 miệng đáy, “bạn đáy” được chọn 2 miệng đáy thuộc về mình để thu hoạch sản phẩm. Nhờ vậy, tuy làm việc rất nhọc nhằn nhưng có thu nhập khá cao nên cái nghề “bạn đáy” cứ tiếp nối hết đời này sang đời khác. Làng nghề đóng đáy hàng khơi ở thị trấn Mỹ Long cũng theo đó mà vững bền theo năm tháng.
Bài 2: Quyết tâm giữ nghề