Kiên Giang thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC trong chống khai thác IUU

Tỉnh Kiên Giang tập trung quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); trong đó, chú trọng thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC) trong chống khai thác IUU để cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) kiểm tra tàu cá hoạt động khai thác đánh bắt trên ngư trường. Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN

Theo đó, về khung pháp lý, cơ chế chính sách, Kiên Giang ban hành và triển khai Kế hoạch số 105/KH-UBND, ngày 4/4/2024 của UBND tỉnh thực hiện đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 114/KH-UBND, ngày 12/4/2024 thực hiện Quyết định số 643/QĐ-TTg, ngày 5/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Tỉnh tổ chức thực hiện chính sách về hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình (VMS) tàu cá 2 đợt cho 15.173 lượt tàu cá với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng và đang tiếp tục xem xét, phê duyệt danh sách hỗ trợ đợt 3 trong năm 2024 cho hơn 7.000 lượt tàu cá khoảng 1,3 tỷ đồng.

Theo khuyến nghị của EC đối với quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, tỉnh có 8.218 tàu cá đã đăng ký; trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên 3.625 tàu. Tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 3.604 tàu, chiếm 99,42% trong tổng số tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, còn lại 21 tàu cá nằm bờ chưa lắp giám sát hành trình đã được đánh dấu và theo dõi trên bản đồ Google Map.

Đối với chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản, ngành chức năng tỉnh giám sát bốc dỡ hàng qua cảng cá, bến cá với tổng sản lượng hơn 121.808 tấn, chiếm 57,1% sản lượng của tỉnh. Cấp 23 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản (SC) cho 6 doanh nghiệp với số lượng 252.330 kg và 116 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) vào thị trường châu Âu cho 3 chủ hàng với khối lượng hơn 1.000 tấn sản phẩm thủy sản.

Cùng với đó, theo khuyến nghị của EC đối với thực thi pháp luật, xử lý vi phạm về khai thác IUU, tỉnh xử lý về thiết bị giám sát hành trình xử phạt 264 vụ số tiền trên 14 tỷ đồng; tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên biển xử phạt 239 vụ tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Tỉnh đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm hành chính trong khai thác thủy sản 617 quyết định, tổng số tiền xử phạt hơn 27,6 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh, cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh chuẩn bị chu đáo để tiếp đón và làm việc với Đoàn thanh tra EC về khai thác IUU tiếp tục sang kiểm tra trong những tháng cuối năm 2024.

Các sở, ngành và địa phương tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ (tại Chỉ thị 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ), ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU và các văn bản khác có liên quan. Các cơ quan chức năng tiếp tục khẩn trương tập trung điều tra, củng cố hồ sơ để đề nghị truy tố, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm khai thác IUU theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân tối cao để tạo sức răn đe.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang tập trung xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU, tăng cường tuần tra trên biển; bố trí đủ nguồn lực về nhân sự, kinh phí và trang thiết bị… để triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT) đồng bộ, nhằm đảm bảo thực hiện tiếp nhận yêu cầu ra, vào cảng, thu nộp nhật ký khai thác, thu mua, chuyển tải thủy sản; giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng đối với 100% tàu tại cảng. Ngành lập danh sách các đối tượng nguy cơ cao và giao cho cơ quan chức năng để theo dõi; đảm bảo 100% tàu cá đủ điều kiện hoạt động được đánh dấu nhận biết, viết số đăng ký tàu cá theo đúng quy định.

Tiếp đến, Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan và UBND các huyện, thành phố lập danh sách các đối tượng nguy cơ cao như có dấu hiệu thực hiện môi giới, đưa tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ tàu/thuyền trưởng/thuyền viên đã từng hoặc có động cơ vi phạm vùng biển nước ngoài… để phối hợp với các lực lượng chấp hành trên biển giám sát thường xuyên, chặt chẽ các đối tượng cụ thể nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa hành vi đưa tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tỉnh đề nghị Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và lực lượng tỉnh Kiên Giang mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tại vùng khơi biển Kiên Giang và các vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Kiên Giang vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Khắc phục thẻ vàng IUU: Ngăn chặn hành vi vi phạm ở vùng biển gần bờ
Khắc phục thẻ vàng IUU: Ngăn chặn hành vi vi phạm ở vùng biển gần bờ

Tỉnh Quảng Trị đang tăng cường ngăn chặn các hành vi vi phạm ở vùng biển gần bờ, để góp phần chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN