Kiên Giang phát triển bền vững kinh tế thủy sản

Đánh bắt thủy sản trên ngư trường là lĩnh vực trọng yếu của kinh tế biển Kiên Giang đang được tỉnh đầu tư phát triển bền vững, khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tàu cá đóng mới neo đậu trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tín hiệu đáng mừng trong phát triển đoàn tàu cá hiện nay là ngư dân Kiên Giang có xu hướng đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn vươn ra khơi xa nhằm tăng khả năng khai thác đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm đến nay, bà con đã hạ thủy thêm hơn 200 tàu đưa vào hoạt động trên ngư trường.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, hầu hết tàu cá công suất lớn đã trang bị đầy đủ những trang thiết bị an toàn hàng hải theo quy định. Cụ thể là được đầu tư máy thông tin vô tuyến tầm xa, máy định vị, tầm ngư, tời cơ khí và tời thủy lực thu thả ngư lưới cụ, thu hoạch sản phẩm phục vụ khai thác đánh bắt trên ngư trường.

Công nghệ sau thu hoạch có những chuyển biến tích cực, nhiều tàu cá cải tiến hệ thống khoang, hầm, công cụ bảo quản, thiết bị lạnh nhằm nâng cao chất lượng, giảm thất thoát sản phẩm sau khai thác.

Cùng với đó, ngành thủy sản Kiên Giang rà soát, phân bổ lại số lượng đóng mới, nâng cấp tàu cá thực hiện theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67) cho các địa phương vùng ven biển, hải đảo. Đến cuối tháng 9/2017, tỉnh phê duyệt 79 tàu, gồm đóng mới 50 tàu, nâng cấp 13 tàu khai thác thủy sản và 16 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng vốn đầu tư hơn 721 tỷ đồng; trong đó, vốn vay trên 510 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, đã có 38 tàu ký hợp đồng tín dụng và giải ngân, tổng số tiền cam kết cho vay hơn 253 tỷ đồng và giải ngân trên 245 tỷ đồng. Ngư dân đã hoàn thành hạ thủy 31 tàu, trong đó 21 tàu đi vào hoạt động, khai thác đánh bắt.

Để đoàn tàu cá đánh bắt hiệu quả trên ngư trường, tỉnh Kiên Giang cơ cấu lại ngành nghề khai thác gồm: lưới kéo, lưới vây, câu và những nghề khác gắn với phân vùng khai thác đánh bắt trên ngư trường. Đồng thời, tổ chức hàng trăm tổ, đội sản xuất trên biển liên kết hỗ trợ nhau về thông tin ngư trường, dịch vụ tiêu thụ, trao đổi sản phẩm khai thác, vật tư, thiết bị, nhiên liệu, khôi phục sản xuất khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển… Tiếp đến, chú trọng phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá làm “cầu nối” giữa bờ và các tàu ngoài khơi, nhằm cung cấp vật tư và vận chuyển sản phẩm khai thác về đất liền.

Hiện tại, Kiên Giang đã phát triển đội tàu dịch vụ này hoạt động hiệu quả; trong đó, nhiều tàu tổ chức sơ chế, cấp đông và bảo quản trên biển để giảm tổn thất trong sản xuất. “Hoạt động hỗ trợ, kiên kết với nhau của các tổ, đội sản xuất trên biển không những mang lại hiệu quả kinh tế trong khai thác đánh bắt thủy sản, ổn định ngư trường mà ngư dân còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hoạt động của đội tàu dịch vụ thủy sản trên biển hỗ trợ tích cực cho đoàn tàu cá, góp phần ổn định chất lượng, giảm đáng kể tổn thất sản phẩm sau thu hoạch” - ông Thao nhấn mạnh.

Một tàu cá đang chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra biển mới. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác thủy sản biển của tỉnh Kiên Giang hơn 411.000 tấn các loại, đạt 78% kế hoạch năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tôm các loại khoảng 27.000 tấn, mực các loại hơn 52.000 tấn và cá các loại trên 300.130 tấn; tỷ lệ sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế cao chiếm tỷ trọng khá trong sản phẩm khai thác, nâng lên hiệu quả kinh tế cho ngư dân, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Song song với khai thác đánh bắt trên ngư trường, tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển, kịp thời phát hiện các vi phạm có tính chất nghiêm trọng, sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản. Hơn 1.000 lượt tàu cá được kiểm tra trong 9 tháng đầu năm nay, ngành chức năng xử phạt trên 850 vụ vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hơn 17 tỷ đồng.

Từ nay đến năm 2020 và định hướng năm 2030, tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển khai thác thủy sản biển theo hướng vươn mạnh ra khơi xa gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo đó, chú trọng hỗ trợ ngư dân chuyển đổi, đóng mới tàu cá có công suất lớn và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đồng thời, xây dựng Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam; quy hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống 22 cảng cá, bến cá và 11 khu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn; quy hoạch và tăng cường năng lực hoạt động các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản, nhất là khu bảo tồn biển Phú Quốc nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học.

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục đầu tư đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác thủy sản, bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất sau thu hoạch. Củng cố và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất khai thác trên biển như: tổ đội sản xuất, hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể, liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm trên biển. Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển và tăng cường bảo vệ, hỗ trợ đảm bảo an toàn cho ngư dân hoạt động đánh bắt trên ngư trường đạt hiệu quả.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản lòng hồ Trị An
Khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản lòng hồ Trị An

Hồ Trị An có tổng diện tích hơn 323 km2, nằm trên địa bàn 4 huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và Định Quán (Đồng Nai). Khoảng gần 1.200 hộ dân đăng ký khai thác thủy sản khu vực lòng hồ, mỗi năm ngư dân đánh bắt được khoảng 5.000 tấn cá các loại, trong đó nhiều nhất là cá cơm, cá mè dinh và cá chép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN