Màn đêm buông xuống cũng là lúc những căn nhà quanh hồ Trị An bắt đầu đỏ đèn. Mặt hồ tĩnh lặng và lộng gió. Xa xa bóng đèn trên ghe của ngư dân như những đóm lửa chợp chờn theo con nước rải khắp mặt hồ rộng lớn.
Dẫn chúng tôi trên chiếc ghe nhỏ tiến ra giữa lòng hồ, ông Nguyễn Văn Long (47 tuổi, ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất), người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản trên hồ Trị An cho biết: Khi trời vừa tắt nắng, ngư dân đã lên thuyền đi thả lưới, lợp khắp lòng hồ, sau đó quay vào bờ nghỉ ngơi, chờ đến giờ ra thu lưới. Từ 2 giờ sáng trở đi là khoảng thời gian hoạt động nhộn nhịp của ngư dân, đó là thơi điểm họ ra thăm, thu lưới.
Anh Nguyễn Văn Tấn, ngư dân xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất cho biết: Nhờ nguồn lợi thủy sản từ lòng hồ, mỗi ngày gia đình anh thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Tá, tại ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán, hầu hết người dân nơi đây sống nhờ vào nguồn cá tự nhiên trong lòng hồ, dù thường xuyên lênh đênh trên hồ nhưng bù lại ngư dân có thu nhập ổn định hơn so với việc sản xuất nông nghiệp trước kia. “Có nguồn thu nhập ổn định, các con được học hành đầy đủ, không phải bỏ học giữa chừng”, ông Tá cho biết thêm.
Mặt trời ló dạng cũng là lúc những chiếc ghe của ngư dân nối đuôi nhau cập Bến Nôm 2 (xã Phú Cường). Đây là một trong những “vựa” cá đông đúc và sầm uất nhất trong vùng. Chợ cá hoạt động từ 4 - 7 giờ hằng ngày, chuyên thu mua cá, tôm của ngư dân đánh bắt trong đêm và phân phối cho những chợ cá khác trên địa bàn tỉnh. Mỗi ngày, chợ cá Bến Nôm 2 xuất đi gần 20 tấn cá các loại. Cá được phân ra thành nhiều loại cho thương lái dễ chọn, hầu hết giá các loại cá thay đổi theo mùa.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, chủ vựa thu mua cá ở Bến Nôm 2, trung bình mỗi ngày anh thu mua khoảng 500 - 700 kg cá. Ngoài thương lái thu mua, nhiều nhà hàng cũng đặt mua với số lượng lớn vì cá ở đây rất tươi ngon.
Theo ông Trần Văn Triều, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, huyện Định Quán, sau khi xảy ra ngập lụt vùng lòng hồ Trị An, những hộ dân trong xã không còn đất sản xuất nên chính quyền xã, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (đơn vị quản lý hồ Trị An) đã tạo điều kiện, khuyến khích ngư dân đánh bắt cá bằng các loại ngư cụ truyền thống nhằm khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ.
Cũng theo ông Trần Văn Triều, nhờ các hoạt động đánh khai thác nguồn thủy sản tự nhiên trong lòng hồ, nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định, trẻ em được học tập đầy đủ; các ngư dân có thể đầu tư cơ sở vật chất, đóng mới ghe, xuồng hiện đại hơn phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt thủy sản cũng có một số hộ đánh bắt không đúng ngư cụ quy định hoặc sử dụng nguồn điện để đánh bắt. Xã Phú Cường đã phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân đánh bắt đúng quy định. Đối với những trường hợp vi phạm, chính quyền địa phương đã có hình thức cảnh báo, xử phạt hành chính.