Tham gia thực hiện phong trào thi đua này là tập thể, cá nhân của các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gồm hải quân Vùng 5, Vùng cảnh sát Biển 4, Hải đoàn 28 (Bộ đội Biên phòng), Kiểm ngư Vùng 5.
Ngoài ra còn có các sở, ban, ngành của tỉnh như nông nghiệp, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ, Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang; các huyện An Biên, An Minh, Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương, Kiên Hải và 3 thành phố là Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc.
Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang, nội dung phong trào thi đua tập trung vào việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về chống IUU; tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững và phòng, chống IUU đến từng cán bộ, từng người dân một cách hiệu quả, thường xuyên.
Cùng đó, tăng cường việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm IUU, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá của ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Thực hiện tốt việc quản lý đội tàu, cường lực khai thác, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; thực hiện chứng nhận, xác nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo quy định…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh nhấn mạnh, tỉnh phát động phong trào thi đua chống IUU nhằm thực hiện hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản và phòng, chống IUU, ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ IUU, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu (EC).
Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh việc chỉ đạo của các cấp, các lực lượng chức năng trong công tác chống IUU của tỉnh, khai thác hiệu quả, bền vững và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên biển. Qua đó, tạo tinh thần chủ động, trách nhiệm cao trong toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh và các lực lượng chức năng quản lý biển của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác chống IUU. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chống IUU.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động 180 ngày của Chính phủ và của tỉnh chống IUU. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến tháng 5/2023, các địa phương chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mặt khác, điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố, xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để ngăn chặn, xử lý phục vụ tuyên truyền, răn đe. Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và xử phạt nghiêm 100% hành vi vi phạm IUU.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập trong chống IUU ở Kiên Giang do vùng biển thuộc tỉnh rộng lớn, hơn 63.000 km², có chung vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, có vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam - Malaysia và giữa Việt Nam - Malaysia - Thái Lan, nhân dân các nước trong khu vực được quyền khai thác thủy sản truyền thống và một số tàu cá sử dụng công cụ cấm khai thác dẫn đến vi phạm, bị lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý.
Cùng với đó, tỉnh có bờ biển dài khoảng 200 km, với nhiều bãi ngang, cửa sông, luồng lạch thông ra biển, hơn 140 đảo lớn, nhỏ và có nhiều đảo biệt lập xa đất liền, phương tiện tàu cá neo đậu không tập trung… nên các ngành chức năng gặp khó khăn trong tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát khi tàu xuất, nhập bến.
Mặt khác, nguồn lợi thủy sản trên ngư trường suy giảm nghiêm trọng, chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân còn nhiều khó khăn, một số quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản còn bất cập. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng hữu quan của tỉnh chưa quan tâm đầy đủ, có lúc, có nơi thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chống IUU.
Ngoài ra, một số chủ phương tiện và ngư dân nhận thức chưa đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vì lợi ích kinh tế cá nhân đã đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, sử dụng hình thức khai thác thủy sản mang tính tận diệt, khai thác sai ngư trường, vùng, tuyến, không báo cáo khai thác, không ghi và nộp nhật ký khai thác…
Theo Ban Chỉ đạo IUU Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát Biển 4, vẫn còn một bộ phận ngư dân chấp hành chưa nghiêm quy định về chống IUU, nhiều tín hiệu tàu cá mất kết nối giám sát hành trình với hệ thống và có xu hướng tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán Qúy Mão năm 2023 đến nay; trong đó, nổi lên hành vi tháo gỡ gửi thiết bị này trên tàu cá khác khi hoạt động khai thác đánh bắt trên biển.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm chủ yếu là thuyền viên không có chứng chỉ chuyên môn, không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng, tháo lắp thiết bị giám sát hành trình không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình…