Với 1.725 tàu cá; trong đó có hơn 1.500 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, huyện Ba Tri được xem là một trong ba địa phương ven biển phát triển mạnh nghề khai thác trên biển của tỉnh Bến Tre. Để hướng tới phát triển lĩnh vực thủy sản bền vững, bảo đảm đúng quy định của Luật Thủy sản và khuyến nghị của EC, địa phương này luôn quan tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ở vùng biển nước ngoài (IUU), đặc biệt chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành quy định khi đánh bắt trên biển.
Thiếu tá Lê Minh Trung - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hàm Luông cho biết, là lực lượng đứng chân trên địa bàn, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Hàm Luông đã phối hợp với ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thị trấn Tiệm Tôm và các xã Tân Thủy, Bảo Thuận, An Hòa Tây, Vĩnh Hòa, Mỹ Thạnh, Bảo Thạnh, An Hiệp, An Đức thuộc huyện Ba Tri tập trung rà soát, đánh giá, phân loại và phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình có tàu cá khai thác thủy sản thuộc diện nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, đơn vị cũng cử cán bộ đến từng hộ gia đình để tuyên truyền riêng lẻ các nội dung về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép hoặc giấy chấp thuận; vượt đường phân định vùng biển Việt Nam với các quốc gia khác thông qua thiết bị giám sát hành trình; mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình không có lý do chính đáng.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thông qua các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, các nền tảng mạng xã hội, giúp cho ngư dân nắm được các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác thủy sản, các hình thức xử phạt của Việt Nam và các nước trong khu vực, thấy được hệ lụy của việc khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định trong khai thác thủy sản.
Chủ tàu cá Đào Văn Vui ngụ khu phố An Thạnh, thị trấn Tiệm Tôm (Ba Tri) cho hay, thời gian qua, ông và các chủ tàu cá được các các cán bộ biên phòng thông tin cụ thể về những nội dung cần thiết trong quá trình khai thác hải sản trên biển. Ngoài ra ông thường xuyên nhận được tin nhắn phòng chống khai thác IUU do UBND tỉnh thông tin. Qua đó, ông nắm rõ nội dung tuyên truyền và các hình thức xử phạt hành vi không chấp hành pháp luật khi ra khơi.
Theo ông Đào Văn Vui, chấp hành quy định về chống khai thác IUU không chỉ bảo đảm an toàn, thu nhập cho ngư dân, mà còn chung tay nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, khi xuất hoặc cấp bến, ông đều thông tin liên hệ với ban quản lý cảng cá, đồn biên phòng; suốt hành trình, các thuyền cá của ông đều ghi lại nhật ký khai thác, mở thiết bị giám sát hành trình.
Chủ tàu Phạm Văn Tuấn (68 tuổi, ở xã An Thủy, huyện Ba Tri) đã thấy được tầm quan trọng của việc lắp thiết bị giám sát. Ông Tuấn cho biết, lúc đầu khi biên phòng và Chi cục Thủy sản tổ chức lắp thiết bị giám sát, ông và những ngư dân khác cảm thấy rất phiền phức và khó khăn. Nhưng sau đó được tuyên truyền, giải thích, các chủ tàu như ông mới thấy được tầm quan trọng của việc lắp thiết bị giám sát. Hiện tại, mặc dù đang đang ở nhà, nhưng chỉ cần mở điện thoại lên là biết tàu của mình đang ở đâu, có dấu hiệu vi phạm hay không, hay có vấn đề gì, mưa bão thì cũng có thể liên hệ nhắc nhở.
Không chỉ tập trung uyên truyền, Đồn Biên phòng Hàm Luông cũng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát kiên quyết không cho tàu cá không đảm bảo giấy tờ, không có tín hiệu giám sát hành trình xuất bến; đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật. Qua thiết bị giám sát hành trình, đồn cũng trực tiếp liên hệ chủ tàu cá, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc đang hoạt động khai thác gần đường phân định đưa phương tiện về vùng biển về Việt Nam, chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng trong nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo thống kê từ năm 2022 đến tháng 9/2023, đơn vị đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ/6 cá nhân (thuyền trưởng tàu cá), số tiền 242,5 triệu đồng, tham mưu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 7 vụ/7 cá nhân (chủ tàu cá), số tiền 6,25 tỷ đồng.
Với chiều dài 65 km bờ biển đi qua địa phận 10 xã thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre có lợi thế phát triển kinh tế biển nói chung, trong đó có kinh tế thủy sản. Đoàn tàu khai thác hải sản của địa phương hiện có trên 2.760 tàu; trong đó có hơn 2.000 tàu khai thác xa bờ. Tổng sản lượng thủy sản khai thác hàng năm là hơn 200.000 tấn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, Bến Tre xác định ngành thủy sản là một trong những thế mạnh mũi nhọn để phát triển kinh tế, nhất là khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về phát triển tỉnh Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để phát triển kinh tế biển với vai trò chủ lực, trong đó có Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Kế hoạch thực hiện Đề án "Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo không theo quy định đến năm 2025"; Đề án chuyển đổi nghề khai thác thủy sản tỉnh Bến Tre đến năm 2030 theo hướng giảm cường lực khai thác, phát triển nuôi trồng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững…
Đặc biệt từ khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, Bến Tre cùng với cả nước tập trung quyết liệt trong tuyên truyền, quản lý chuyển đổi từ nghề cá truyền thống sang nghề khai thác có trách nhiệm và phát triển bền vững. Tỉnh đã xây dựng chương trình truyền thông chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) theo Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo 689 tỉnh từ năm 2017, hàng năm có kiện toàn và có kế hoạch hoạt động cụ thể, cuối năm có tổng kết đánh giá và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện và đạt kết quả khá tốt. Nhờ vậy mà ngư dân Bến Tre đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước trong khai thác biển.
Theo ông Nguyễn Minh Cảnh, đến nay, Bến Tre đã ký Kế hoạch phối hợp với 8 tỉnh từ Kiên Giang, Cà Mau đến Bình Thuận trong quản lý tàu cá; ký Quy chế phối hợp với Cảnh sát biển 3, Cảnh sát biển 4 trong chống khai thác IUU. Qua đó, tăng cường trao đổi thông tin trong quản lý và phối hợp xử lý tốt các trường hợp tàu cá vi phạm về IUU trên biển.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre đánh giá, nhờ sự tập trung, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương nhất là tuyên truyền nên ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản ngày một nâng lên. Đến nay, tất cả tàu tham gia khai thác xa bờ đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, cập rời cảng chấp hành tốt, bảo đảm thủ tục đầy đủ khi đi khai thác như giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, ghi nhật ký khai thác đã trở thành quen thuộc đối với bà con ngư dân khai thác.