Quảng Nam hạ thủy đôi tàu vỏ thép được đóng mới cho ngư dân địa phương theo Nghị định 67. |
Tỉnh Quảng Nam hiện có trên 400 tàu thuyền có công suất lớn thường xuyên hoạt động dài ngày ở ngư trường xa bờ. Để giúp đỡ ngư dân, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi để ngư dân đóng tàu công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ và các thiết bị đi biển hiện đại; trong đó Quyết định số 48/2010/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ một phần tiền dầu trong quá trình vươn khơi bám biển được triển khai đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh để ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều ngư dân không được nhận nguồn kinh phí hỗ trợ này vì gặp nhiều trở ngại, bất cập.
Gắn máy liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp GPS ký hiệu VX 1700 trên tàu vỏ sắt công suất gần 900 CV của mình, ngư dân Huỳnh Văn Tạo ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành là một trong số hàng trăm ngư dân tỉnh Quảng Nam lắp thiết bị này trên tàu cá theo Quyết định số 48/2010/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ một phần tiền dầu trong quá trình vươn khơi bám biển.
Chủ tàu kiêm thuyền trưởng Huỳnh Văn Tạo cho biết, để được hưởng 100 triệu đồng cho mỗi chuyến ra khơi bám biển dài ngày, ngư dân phải có ít nhất 7 tin nhắn về Tổng đài đặt tại Chi cục thủy sản vào 7 ngày khác nhau khi đang hoạt động trên biển, có trụ sở tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, trong thực tế thì không riêng tàu của ông Tạo mà còn nhiều tàu khác nữa cũng không đáp ứng được chỉ tiêu 7 tin nhắn trong mỗi chuyến biển. Vì vậy, có những chuyến biển dài cả tháng trời nhưng vì không đảm bảo được 7 tin nhắn nên ngư dân không được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Việc nhắn tin từ tàu cá về Tổng đài nhiều lúc gặp khó khăn đến mức ngay cả khi tàu cá neo đậu trong cảng, chỉ cách Tổng đài hơn 20 km nhưng hai ông Huỳnh Văn Tạo, chủ tàu cá QNa 91944TS và Trần Dũng, chủ tàu cá QNa 91594 TS đều có kinh nghiệm trên 25 năm làm thuyền trưởng, liên tục thực hiện hơn 20 tin nhắn nhưng không tin nhắn nào thành công trước sự chứng kiến của nhiều người.
Nói về nguyên nhân khiến việc nhắn tin từ tàu cá về Tổng đài gặp khó khăn, thuyền trưởng Huỳnh Văn Tạo cho biết: “Những năm trước, việc thực hiện tin nhắn khá thuận lợi, còn bây giờ tàu thuyền xa bờ ngày càng nhiều nên việc nhắn tin gặp nhiều khó khăn. Quy định mỗi chuyến biển phải có 7 tin nhắn nhưng nhiều khi chỉ thực hiện được 2 tin nhắn. Do đó, tiền hỗ trợ xăng dầu của chuyến biển đó coi như không có”.
Thuyền trưởng Bùi Thế Cả, chủ tàu QNa 91045 TS bức xúc: “Tàu của tôi hoạt động xa bờ thường xuyên, quyết định hỗ trợ dầu của Nhà nước ngư dân chúng tôi rất hoan nghênh. Tuy nhiên việc thực hiện tin nhắn thì gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong tàu đánh bắt xa bờ được giảm từ 7 tin xuống còn 2 tin trong mỗi chuyến biển. Chúng tôi vay tiền của Nhà nước hàng chục tỷ đồng để đóng mới tàu, vì vậy luôn nóng lòng muốn ra khơi bám biển dài ngày sản xuất để vừa có thu nhập cho gia đình, vừa tạo ra nguồn kinh phí để hoàn trả vốn vay cho Nhà nước. Chủ trương của Nhà nước hỗ trợ tiền dầu là việc làm hết sức nhân văn nhưng trong thực tế nhiều tàu cá hành nghề dài ngày trên biển nhưng không nhận được khoản tiền hỗ trợ này là thiệt thòi lớn”.
Là một trong những thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm, anh Trần Dũng, chủ tàu cá mang số hiệu Qna 91594TS cho biết: Theo quy định, các tàu hoạt động tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa hoặc Trường Sa, mức hỗ trợ tiền dầu mỗi chuyến 100 triệu đồng đối với tàu cá có công suất từ 700 CV trở lên. Để được nhận, mỗi tàu xuất bến ra khơi phải nhắn đủ 7 tin nhắn vào 7 ngày khác nhau khi đang hoạt động trên biển. Từ đây các thiết bị trên tàu và thiết bị đặt ở Tổng đài sẽ kết nối thông tin, xác định vị trí tọa độ của con tàu để làm cơ sở cho ngư dân nhận tiền hỗ trợ xăng dầu.
Tuy nhiên, trong 3 chuyến biển từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi khi nhắn tin đều nhận được âm thanh tút tút ngắt quãng và âm thanh sóng chèn lẫn nhau. Nhiều khi thiết bị nhắn tin trên tàu thông báo đã gửi được tin nhắn về Tổng đài nhưng khi đối chiếu thì Tổng đài không xác nhận tin nhắn ngư dân đã gửi. Như vậy, chuyến biển đó ngư dân không nhận được tiền hỗ trợ xăng dầu.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam thừa nhận: “Hỗ trợ một phần tiền dầu cho tàu cá của ngư dân vươn khơi bám biển dài ngày là chủ trương giàu tính nhân văn, kịp thời giúp đỡ cho ngư dân có thêm điều kiện vươn khơi. Tuy nhiên việc tổ chức nhận tin nhắn từ tàu cá của bà con trong thời gian qua có những khó khăn nhất định. Đây là vấn đề mang tính kỹ thuật. Ngành nông nghiệp sẽ chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị về tận cơ sở để cầm tay chỉ việc cho ngư dân trong việc thực hiện tin nhắn".
Ông Tấn cho biết thêm, sau 6 năm thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh Quảng Nam đã giải ngân hơn 234 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân mua máy liên lạc sóng HF tầm xa có tích hợp GPS, hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm thân tàu và thuyền viên, hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân.
Có thể nói Quyết định số 48/2010/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ là quyết định hợp với lòng dân. Tuy nhiên trong thực tế thì vẫn còn không ít ngư dân vì không đảm bảo được chỉ tiêu số lượng tin nhắn trong một chuyến biển nên không nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước.
Điều ngư dân mong muốn là ngành thủy sản tỉnh Quảng Nam cần sớm sắp xếp lại quy trình vận hành, tiếp nhận và xử lý thông tin để việc nhắn tin về Tổng đài được thuận lợi hơn, góp phần để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển dài ngày.