Giao khu vực biển và cấp phép nuôi trai ngọc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển, trên lĩnh vực nuôi biển, cùng với nghề nuôi cá lồng bè, nuôi nhuyễn thể…, tỉnh Kiên Giang chú trọng phát triển nuôi trai lấy ngọc ở biển đảo Phú Quốc.

Qua đó, vừa tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng vùng biển đảo Kiên Giang, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, vừa góp phần phát triển bền vững nghề nuôi biển, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. 

Chú thích ảnh
Tàu cá neo đậu trên vùng biển đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh minh hoạ: Lê Huy Hải/TTXVN

Thành phố biển đảo Phú Quốc có diện tích tự nhiên khoảng 589 km², với chu vi bờ biển dài khoảng 150 km, vùng biển rộng có nhiều đảo, rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng các loài hải sản biển, đặc biệt là nuôi trai lấy ngọc.
 
Thực hiện “Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn Kiên Giang đến năm 2030”, tỉnh tập trung nuôi trai ngọc ở Phú Quốc và Kiên Hải, với mục tiêu sản lượng ngọc trai năm 2030 đạt 520.000 viên.
 
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh thực hiện quy định về các thủ tục pháp lý lĩnh vực nuôi biển; trong đó, có nuôi trai lấy ngọc; giao khu vực biển và cấp phép nuôi trai ngọc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tỉnh xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nuôi biển, kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư nuôi trai ngọc, đồng thời hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu lĩnh vực ngành nghề này, đầu tư sản xuất.
 
Hiện nay, Kiên Giang phát triển nuôi trai lấy ngọc chủ yếu ở vùng biển đảo Phú Quốc. Tại “đảo Ngọc” này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc đã tiên phong thực hiện dự án “Nuôi cấy ngọc trai chất lượng cao”. Qua gần 30 năm hình thành và phát triển, dự án đã khẳng định được hiệu quả cả về mặt kinh tế - xã hội và môi trường, đặc biệt là góp phần tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
 
Ông Nguyễn Trọng Hiền, Phó Giám đốc phụ trách nuôi trồng và phát triển dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Ngọc trai Ngọc Hiền Phú Quốc cho biết, công ty nuôi trai ngọc theo quy trình kỹ thuật công nghệ cao khép kín, bền vững. Hiện tại, công ty đã làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất trai giống, nuôi trai thương phẩm và trai nguyên liệu để cấy phôi tạo ngọc, xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm từ thị trường nội địa đến các thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu và một số nước châu Á.
 
Theo ông Hiền, công ty đang triển khai thực hiện dự án nuôi trai ngọc theo quy trình khép kín, bền vững quy mô 1.000 ha khu vực biển thuộc ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và dự án chia thành 2 giai đoạn.
 
Giai đoạn 1 (2020 - 2024), thả nuôi diện tích 504 ha, mỗi năm thu hoạch 2 đợt, sản lượng thu hoạch 450 - 500 kg ngọc/năm, tương đương 500.000 viên ngọc, với 2 loài trai: Pinctada Maxima và Pinctada martensii.
 
Tiến đến, giai đoạn II (2025 - 2030), công ty triển khai thực hiện thêm khoảng 500 ha, đạt quy mô dự án 1.000 ha, dự kiến mỗi năm thu hoạch sản lượng 900.000 - 1 triệu viên ngọc.
 
Phó Giám đốc Nguyễn Trọng Hiền chia sẻ, doanh nghiệp sử dụng khu vực biển được giao để phát triển nghề nuôi trai ngọc không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn góp phần phục hồi và bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Dự án còn triển khai nghiên cứu sản xuất giống trai nhân tạo, chủ động về nguồn giống để phát triển nuôi trồng bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất lâu dài mà còn giúp cân bằng sinh thái môi trường biển Phú Quốc.
 
Thời gian qua, công ty đã phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc thả 45 triệu con trai giống về vùng tự nhiên, phối hợp cùng với Viện Hải Dương Học tạo Vườn ươm san hô nhân tạo, nhằm góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học trên vùng biển Phú Quốc.
 
Tỉnh Kiên Giang có vùng biển rộng khoảng 63.200 km², với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ và chiều dài bờ biển trên 200 km, là lợi thế lớn để phát triển nuôi biển; trong đó, có nuôi trai ngọc. Nuôi trồng thủy sản biển Kiên Giang là lĩnh vực ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế vùng ven biển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo... Đồng thời, góp phần giảm áp lực khai thác, đánh bắt quá mức trên ngư trường, phục hồi, tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên biển.
 
Vì vậy, đối với nuôi trai ngọc, tỉnh sớm quy hoạch vùng biển nuôi, xây dựng các đề tài, dự án cụ thể mời gọi đầu tư; xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh trong vùng nuôi biển.
 
Ngành chức năng tỉnh xây dựng mô hình nuôi ngọc trai thí điểm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nhân rộng theo định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế biển; đồng thời, xây dựng, quảng bá thương hiệu ngọc trai Kiên Giang và ngọc trai Phú Quốc gắn với phát triển du lịch sinh thái biển đảo.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Kinh tế biển - nền tảng phát triển bền vững
Kinh tế biển - nền tảng phát triển bền vững

Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông với 28/63 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% tổng dân số. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên biển, hải đảo...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN