Hợp tác nhiều địa phương
Qua hơn 6 năm EC giơ "thẻ vàng" với nghề cá Việt Nam về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, ngư dân ráo riết khắc phục vi phạm của ngư dân trong quá trình khai thác xa bờ để gỡ "thẻ vàng". Nhiều địa phương có biển khu vực phía Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong khai thác, đánh bắt thủy, hải sản.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, tình trạng tàu cá còn vi phạm vùng biển nước ngoài tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Bình Định, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tiền Giang. Do đó, các địa phương này cần có sự liên kết chặt chẽ trong quản lý tàu cá khai thác xa bờ, chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Trước thực tế này, tỉnh Bến Tre thể hiện quyết tâm lớn cùng cả nước để gỡ "thẻ vàng" chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) của EC. Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương đã ký kết Kế hoạch phối hợp với 8 tỉnh từ Kiên Giang, Cà Mau đến Bình Thuận trong quản lý tàu cá; ký Quy chế phối hợp với Cảnh sát biển 3, Cảnh sát biển 4 trong chống khai thác IUU. Qua đó, tăng cường trao đổi thông tin trong quản lý và phối hợp xử lý tốt các trường hợp tàu cá vi phạm về IUU trên biển.
Tỉnh Bến Tre có chiều dài 65 km bờ biển đi qua địa phận 10 xã thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, có lợi thế phát triển kinh tế biển nói chung; trong đó có kinh tế thủy sản. Toàn tỉnh có hơn 2.700 tàu khai thác hải sản (2.000 tàu khai thác xa bờ) với tổng sản lượng hải sản khai thác 200.000 tấn/năm. Chính vì số lượng tàu lớn nên Bến Tre đã phối hợp với cơ quan chức năng trong tỉnh tăng cường giám sát đội ngũ khai thác qua thiết bị giám sát hành trình; phối hợp cùng cơ quan chức năng của các địa phương trong khu vực nắm tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý nghiêm những trường hợp tàu cá có hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tương tự, tỉnh Bình Thuận cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương vùng biển triển khai nhiều giải pháp chống khai thác bất hợp pháp. Trong năm 2023, tỉnh vẫn còn 1 trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài. Bình Thuận đã phối hợp với lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh để quản lý tàu cá, chống khai thác bất hợp pháp gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản một cách quyết liệt, thường xuyên. Đồng thời tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng, trên biển và thông qua hệ thống giám sát tàu cá. Qua đó, phát hiện sớm để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các trường hợp có nguy cơ vi phạm khai thác bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã phát hiện, kêu gọi 32 lượt tàu cá vượt ranh giới trên biển kịp thời quay lại vùng biển Việt Nam và cảnh báo, nhắc nhở hàng trăm lượt tàu cá mất kết nối VMS trên biển. Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản; phối hợp với lực lượng của các đơn vị, địa phương liên quan (Biên phòng, Ban Quản lý Cảng cá) tổ chức kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá, phục vụ phòng, chống khai thác IUU.
Khắc phục triệt để vi phạm
Việc chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Việt Nam hiện nay vẫn còn một số khó khăn do một số thành phần trục lợi trong hoạt động giám sát, không tuân thủ Luật thủy sản 2017. Qua đợt kiểm tra hồi tháng 10/2023 đối với nghề cá Việt Nam, EC đã khuyến nghị quản lý chặt việc xâm phạm vùng biển nước ngoài của đội ngũ khai thác như: Bình Thuận còn 7 trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài, Kiên Giang 1 trường hợp, Bến Tre 1 trường hợp…
Từ đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi liên quan để thực hiện khuyến nghị của EC, tổ chức truyền thông về nội dung sửa đổi, bổ sung của các văn bản; trong đó có quy định phạt nguội các hành vi vi phạm. Bộ Công an cũng khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các đối tượng môi giới, móc nối, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm truy xuất nguồn gốc.
Trước những vi phạm này, các địa phương đã khẩn trương xử lý để quản lý đội ngũ tàu cá chặt chẽ hơn. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 vụ/2 tàu với số tiền 900 triệu đồng và tịch thu 2 tàu cá. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh này đang điều tra, xác minh 12 vụ/21 tàu và xử lý theo quy định. Lực lượng chức năng Bình Thuận phát hiện và xử phạt 7 trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Cùng đó, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Bến Tre cũng đã giao cho Bộ đội biên phòng các địa phương mạnh tay xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép hoặc giấy chấp thuận; vượt đường phân định vùng biển Việt Nam với quốc gia khác thông qua thiết bị giám sát hành trình; mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình không có lý do chính đáng.
Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bến Tre ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ/6 cá nhân (thuyền trưởng tàu cá) với số tiền 242,5 triệu đồng; tham mưu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 7 vụ/7 cá nhân (chủ tàu cá) với số tiền 6,25 tỷ đồng để các trường hợp vi phạm không tái phạm khai thác bất hợp pháp.
Bằng những biện pháp quản lý và xử phạt mạnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh nghề cá Việt Nam phải gỡ "thẻ vàng" sớm nhất từ nay cho đến 30/4/2024, trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu, nếu không có thể phải mất vài năm mới thực hiện được việc này.