Cà Mau có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km, vùng biển rộng khoảng 80.000 km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. Khu vực biên giới biển của tỉnh có 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển. Trong số hơn 4.000 tàu cá đang hoạt động khai thác hải sản trên biển, có hơn 1.500 tàu hoạt động đánh bắt xa bờ, chưa kể hàng ngàn tàu của các tỉnh lân cận đến hoạt động khai thác trên vùng biển của tỉnh.
Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết, toàn đơn vị quán triệt, xác định rõ công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, quyết tâm cao nên chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện để sớm hoàn thành tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, góp phần cùng các cấp, ngành sớm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) trong thời gian tới.
Bộ đội Biên phòng Cà Mau tập trung lực lượng, phương tiện tiếp tục thực hiện hiệu quả nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND tỉnh về chống khai thác IUU, nhất là Kế hoạch số 63/KH-BCĐ ngày 08/08/2023 của Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Cà Mau về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đến tháng 10 năm 2023.
Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau chia sẻ: Bộ đội Biên phòng Cà Mau chủ động nắm chắc tình hình trên biển, hoạt động tàu cá ngư dân trên vùng biển; thường xuyên phối hợp các lực lượng Vùng 5 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 4 làm tốt việc trao đổi thông tin, thông báo tình hình phối hợp điều tra, xác minh tàu cá ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Qua đó, lực lượng chức năng triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn xử lý vi phạm, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tuyên truyền, vận động ngư dân nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển. Đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên nắm rõ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và các quy định của Nhà nước về khai thác, đánh bắt hải sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, giám sát hoạt động tàu cá trên biển; tiếp tục phát huy có hiệu quả Trung tâm Giám sát hành trình, phần mềm Kiểm soát lưu thông tàu cá và số hóa IUU.
Theo Thiếu tá Đỗ Văn Lanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, để quản lý hiệu quả hoạt động tàu cá trên biển, Đồn Biên phòng Sông Đốc thực hiện biện pháp thống kê, phân loại các ngành nghề kết hợp với việc dùng biện pháp loại trừ những phương tiện hoạt động thường xuyên chấp hành tốt các quy định về khai thác và đánh bắt hải sản trên biển.
Khi các chủ phương tiện chuyển đổi ngành nghề hoặc các phương tiện có nguy cơ cao vi phạm quy định chống khai thác IUU, đơn vị lập những danh sách riêng để quản lý, giám sát theo diện quản lý đặc biệt. Đồn cũng thực hiện tốt các mặt công tác, kiên quyết xử nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU, ngăn chặn hoạt động môi giới đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.
Các Đồn Biên phòng trong tỉnh Cà Mau chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền để các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm khi đánh bắt trên biển, không khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại... Lực lượng Biên phòng tuyên truyền, phổ biến các luật, quy định của các nước lân cận để ngư dân nắm chắc, tuân thủ, thực hiện tốt các quy định chống khai thác IUU; ngăn chặn và xử lý nghiệm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy nhanh tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã duy trì quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào các cửa biển, kiểm soát 100% tàu cá qua Trạm Kiểm soát Biên phòng đảm bảo theo đúng quy định; thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát biển, các cửa biển không có Trạm Kiểm soát Biên phòng; kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá không đảm bảo thủ tục, giấy tờ, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị mất kết nối ra biển hoạt động khai thác.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, cảnh báo các tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài, kêu gọi trở về vùng biển Việt Nam, phối hợp xác minh nhiều trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển hơn 10 ngày. Các đơn vị đã phát huy có hiệu quả phần mềm liên thông kiểm soát tàu cá, cập nhật đầy đủ số liệu tàu cá xuất, nhập bến, phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc, thống kê sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn theo quy định. Đến nay, Cà Mau có 100% chủ tàu, thuyền trưởng đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, 100% tàu cá lắp đặt hệ thống giám sát theo đúng quy định.
Tuy vậy, công tác chống khai thác IUU ở Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn. Một số chủ tàu vì lợi ích kinh tế trước mắt mà cố tình tìm cách đưa người, phương tiện đi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài; tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình gửi sang tàu khác; hoạt động móc nối, môi giới đưa người, tàu cá sang đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài ngày càng tinh vi...
Mặt khác, công tác điều tra, xác minh, xử lý đối với các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở pháp lý để xác định các hành vi, tọa độ, thời gian tàu cá, ngư dân bị lực lượng chấp pháp của nước ngoài bắt giữ; khi bị bắt, chủ tàu, thuyền trưởng cố tình che giấu, không hợp tác, khai báo gian dối hoặc đang bị giam giữ tại nước ngoài, không liên lạc được; tàu cá bị tịch thu nên chưa thể làm việc được với chủ thể vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định.