Top 10 phát hiện kỳ lạ trong thế giới động vật 2012

Cá có bộ phận sinh dục trên đầu, mèo hai mặt, con cóc nhỏ nhất thế giới,... là những phát hiện kỳ lạ nhất trong thế giới động vật năm 2012. Dưới đây là Top 10 các phát hiện kỳ lạ nhất của năm 2012 do Tạp chí National Geographic (Mỹ) bình chọn. Sau đây là xếp hạng những phát hiện này:


10. Loài động vật có xương sống nhỏ nhất thế giới


Với chiều dài chỉ vỏn vẹn 7,7 mm (milimét), loài cóc có tên khoa học là Paedophryne amauensis được tìm thấy tại miền nam Papua Niu Ghinê được cho là loài động vật có xương sống nhỏ nhất thế giới.



Các nhà khoa học đã phát hiện ra loài cóc này từ năm 2010, nhưng đến tháng 1/2012 mới chính thức công bố. Trước đó, động vật có xương sống giữ kỷ lục nhỏ nhất thuộc về loài cá Paedocypris progenetica ở Inđônêxia, với chiều dài 7,9 mm.


Loại cóc tí hon này phải gồng mình lên để có thể ăn các loài động vật không xương sống nhỏ khác, chẳng hạn như con ve, mà các động vật ăn thịt to hơn thờ ơ. Dù bé nhỏ nhưng khả năng nhảy của cóc tí hon lại đáng kinh ngạc khi chiều dài bước nhảy lớn gấp 30 lần chiều dài thân.


9. Nấm nhầy không có não, vẫn có trí nhớ


Dù không có não nhưng loại nấm có tên khoa học là Physarum polycephalum vẫn có một hình thức trí nhớ, đó là phát hiện của các nhà khoa học thuộc Đại học Xítni, Ôxtrâylia sau khi thử nghiệm khả năng di chuyển của loại nấm này.



Trưởng nhóm nghiên cứu Christopher Reid cho biết nấm nhầy là một sinh vật nguyên sinh và không nằm trong hệ thống phân loại sinh học. Chúng tồn tại quanh chúng ta ở mọi nơi trên trái đất và ăn men bia, vi khuẩn, nấm. Khối cơ thể của nấm nhầy tạo ra các chuỗi co duỗi liên tục để di chuyển.


Các nhà khoa học kết luận rằng nấm nhầy sử dụng cơ chế hoạt động giống như các tế bào cơ của con người. Khi nấm nhầy di chuyển, chúng để lại những vết chất nhờn ở phía sau và chúng không di chuyển vào những vết nhờn đó nữa.


8. Chú mèo hai mặt bí ẩn


Đó là chú mèo có tên rất kêu Venus, tức “Thần vệ nữ”, đang sinh sống cùng bà chủ tại một nông trại ở bang Carolina, Mỹ. Khuôn mặt của chú mèo 3 tuổi này gồm một nửa màu vàng và một nửa màu đen. Hai mắt cũng mang hai màu khác nhau, một mắt màu xanh dương và mắt kia màu xanh lá cây.



Hiện chưa có kết luận về nguyên nhân tại sao chú mèo lại có hai mặt. Nhiều khả năng hiện tượng này là do hai bào thai nhập thành một. Giáo sư Leslie Lyons, chuyên gia về gene di truyền loài mèo thuộc Đại học California (Mỹ) nói rằng bà chưa bao giờ thấy con mèo nào có ngoại hình giống Venus.


Một số cơ quan báo chí quốc tế gọi Venus là “chimera” - quái vật được tạo nên bởi các bộ phận cơ thể từ nhiều loài động vật trong thần thoại. Bà Lyons cho rằng nhiều khả năng bộ lông màu cam và đen của Venus là một dấu hiệu cho thấy nó có thêm một nhiễm sắc thể giới tính X. Tuy nhiên, về hai mắt với hai màu khác nhau của Venus thì bà Lyons vẫn chưa tìm ra hướng giải thích và cho rằng đó “vẫn là một bí ẩn đối với khoa học”.


7. Phát hiện cá voi sát thủ màu trắng


Tháng 4/2012, các nhà khoa học đã phát hiện một chú cá voi sát thủ có màu trắng trưởng thành ở ngoài khơi bờ biển Kamchatka, phía đông nước Nga, và họ đã đặt tên cho nó là Iceberg - có nghĩa là “núi băng trôi”.



Theo nhà nghiên cứu sinh vật học Holly Fearnbach thuộc Đại học Aberden (Anh), Iceberg dù là cái tên mới nhưng có thể cùng thuộc dòng cá voi sát thủ có da màu sáng mà các nhà khoa học đã phát hiện năm 2000 và 2008. Tuy nhiên, chú cá voi phát hiện hồi đó có màu da đậm hơn và có một số vết chấm lốm đốm.


Cá voi sát thủ trắng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong tự nhiên, tuy nhiên tất cả chúng đều còn nhỏ. Vào năm 1972, tại một Viện Hải dương học ở Canađa cũng có một con cá voi sát thủ màu trắng do bệnh gene hiếm gặp, nhưng nó đã chết sau đó.

Cá voi sát thủ là loài cá voi ăn thịt hung dữ nhất đại dương, thường có bụng trắng và lưng đen. Chúng săn cá và các loài thú biển như sư tử biển, hải cẩu. Cá voi và cả cá mập trắng lớn cũng là nạn nhân của chúng. Chúng trưởng thành ở tuổi 15, con đực có thể dài tới 6-8 m, nặng hơn 6 tấn; con cái nhỏ hơn, dài 5-7 m, nặng 4-5 tấn. Tuổi thọ trung khoảng 30 năm, riêng những con đực có thể sống tới 50-60 tuổi.


6. Sinh vật nhiều chân nhất thế giới


Đó là loài chân khớp đa túc trắng có tên khoa học là Illacme plenipes sống ở miền bắc California (Mỹ) được công bố hồi tháng 11/2012. Giới nghiên cứu khoa học đã vô cùng bất ngờ khi nó có tới 750 chân chen chúc trong thân hình dài vỏn vẹn từ 1-3 cm.



Các nhà khoa học thuộc chính phủ Mỹ từng thấy loại sinh vật nhiều chân này từ năm 1928, tuy nhiên nó không được đề cập tới nhiều trong phần thời gian còn lại của thế kỷ 20. Và rồi tới năm 2006, các chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Arizona một lần nữa phát hiện ra và bắt đầu nghiên cứu về loài sinh vật kỳ bí này.


Về cơ bản, Illacme plenipes trông như một sợi chỉ. Loài sinh vật này có diện mạo bên ngoài chẳng có gì hấp dẫn, nhưng khi soi dưới kính hiển vi điện tử, nó có một cấu trúc cơ thể vô cùng phức tạp và đáng kinh ngạc. Trong số những điều "lạ" về sinh vật nhiều chân nhất thế giới có cả việc các lông trên lưng của chúng sản sinh ra những thứ trông giống như tơ và một cái miệng được hình thành ở dạng thô sơ nhất.


Sau khi phân tích gene, các chuyên gia xác định được họ hàng gần nhất của loài này là ở Nam Phi. Giả thuyết cho rằng chúng có thể tồn tại từ thời siêu lục địa Pangaea, và khi siêu lục địa này vỡ ra cách đây 200 triệu năm trước, chia thành 2 nhóm ở Mỹ và Nam Phi. Illacme plenipes đã đánh bại một loài sinh vật khác ở Puerto Rico (Puéctô Ricô), 742 chân, để giành lấy danh hiệu sinh vật nhiều chân nhất thế giới.


5. Loài rùa kỳ lạ đi tiểu bằng miệng


Tháng 10/2012, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Xinhgapo phát hiện một loài rùa mai mềm ở Trung Quốc có thể bài tiết nước tiểu qua miệng. Khả năng độc đáo này được cho là giúp chúng có thể xâm lấn các môi trường nước mặn.



Loài rùa này có tên gọi khoa học là Pelodiscus sinensis. Qua nghiên cứu, chuyên gia sinh vật học phân tử Yuen Kwong Ip thuộc trường Đại học Quốc gia Xinhgapo kết luận: “Chúng ta nhìn chung công nhận rằng, thận chịu trách nhiệm bài tiết urê ở các động vật có xương sống, trừ cá. Trái ngược với quan niệm phổ biến này, kết quả nghiên cứu của chúng tôi hé lộ rằng miệng có thể là một đường bài tiết urê quan trọng ở rùa mai mềm”.


Điều đáng ngạc nhiên là rùa Pelodiscus sinensis luôn dìm đầu của mình vào các vũng nước nhỏ trên cạn dù chúng là sinh vật hít thở không khí, chủ yếu dựa vào phổi để lấy ôxy - đặc điểm khiến chúng dường như không thể thở dưới nước. Các nhà khoa học nhận định, rùa mai mềm Trung Quốc bài tiết urê qua miệng thay vì thận do môi trường sống nước mặn của chúng.

4. Lần đầu tiên lý giải tại sao sư tử cái có... bờm


Nếu bạn nhìn thấy một con sư tử có bờm thì không chắc đó đã phải là một chú sư tử đực. Loài sư tử cái có bờm này hiện sinh sống ở vùng châu thổ Okavango, thuộc Cộng hòa Bốtxoana, một trong những quốc gia ổn định nhất ở châu Phi.



Tháng 10/2012, các nhà nghiên cứu đã tìm ra lời lý giải tại sao sư tử cái lại có bờm. Theo chuyên gia Luke Hunter, chủ tịch Nhóm Nghiên cứu Sư tử, loài sư tử cái có đặc tính giống sư tử đực xuất hiện khi quá trình phôi thai bị gián đoạn, kể cả trong quá trình thụ thai hay trong dạ con.


Trong tình huống thứ nhất, việc cung cấp gene của tinh dịch - xác định giới tính của thai - có thể khác thường, khiến cho thai cái có thêm một số đặc tính của đực. Trong tình huống thứ hai và có nhiều khả năng hơn thì vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thai nghén nếu như bào thai ở trong môi trường có mức độ các hoócmôn nam tăng dần, chẳng hạn như kích thích tố sinh dục nam.


Nếu như sư tử mẹ có hoócmôn nam cao trong quá trình mang thai thì con của nó dù đang là cái có thể bị “đực hóa” - tình huống đôi khi xảy ra đối với con người nhưng ít khi được theo dõi ở động vật. Ông Hunter khẳng định rằng trong trường hợp nào đi nữa thì những con sư tử con đó dù không được “khỏe mạnh” nhưng hoàn toàn vẫn có khả năng tồn tại.


3. Cá có bộ phận sinh dục ở đầu


Đây là loài cá xuất hiện tại Việt Nam và được các nhà khoa học đặt tên là Phallostethus cuulong, gọi theo tên của sông Cửu Long. Phallostethus cuulong có chiều dài thân khoảng 2 cm, thường sống trong vùng nước có nhiều thực vật thủy sinh. Mỗi khi muốn giao phối nó tiến gần tới con cái, bơi song song, đầu cá đực kề gần đầu cá cái. Nhiều người quan sát sẽ nghĩ rằng chúng có hình thức giao phối không đúng khoa học khi phần đầu của chúng đặt gần nhau, tạo thành góc 45 độ.



Tuy nhiên, theo giới khoa học, do tuyến sinh dục của con đực nằm ở phần đầu, nên con đực chỉ có thể tiếp cận con cái theo cách đó. Cá Phallostethus cuulong là một trong hơn 20 loài thuộc Priapiumfish, nhóm cá phân bố ở khu vực châu Á và có cơ quan sinh dục nằm ở ngay dưới miệng. Nó được lấy theo tên vị thần tình dục và sinh sản cổ đại Hy Lạp Priapus.


Koichi Shibukawa, một nhà nghiên cứu thuộc Quỹ môi trường tự nhiên Nagao tại Nhật Bản phát hiện ra loài cá đặc biệt này năm 2009. Ông nhìn thấy nó đang bơi tại kênh thuộc sông Mekong và quyết định bắt. Sau này, khi làm việc với các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ, ông Shibukawa mới biết đó là loài cá mới.


Nhóm cá Priapiumfish không có bộ phận sinh dục giống con người và động vật có vú khác. Thay vào đó, chúng có cơ quan sinh sản duy nhất gọi là priapium. Bộ phận này nằm quay về phía sau, giống như dạng khác của vây ngực.


2. Loài thú có “cái ấy” kỳ lạ nhất


Đó là loài thú lông nhím có tên Echidna tại đảo Tasmania, Ôxtrâylia. Điều kỳ lạ là dương vật của nó lại có tới 4 cái đầu. Đây là loại động vật có lông giống loài nhím và thức ăn chính của chúng là mối.



Cùng với thú mỏ vịt, Echidna là động vật đơn huyệt cuối cùng còn tồn tại trên thế giới. Thú lông nhím thuộc nhánh đầu tiên của động vật có vú nhưng vẫn có những đặc điểm của loài bò sát, như đẻ trứng thay vì sinh con.


Dương vật của loài Echidna có hình dáng rất kỳ lạ. Nó có 4 "cái đầu" và nhìn qua nhiều người sẽ lầm tưởng đó là… một bàn tay. Lý do vì sao “cái ấy” của loài thú lông nhím có tận 4 “nhánh” vẫn còn đang được các nhà khoa học tìm hiểu.


Một trong những giải thích là do bộ phận sinh dục của thú lông nhím cái có tới 2 ống dẫn nên dương vật của Echidna đực hoạt động giống như khẩu súng ngắn 4 nòng, 2 nòng bắn “tinh trùng” về một hướng. Với thực thế là chúng không biết trứng của con cái nằm ở bên nào nên việc “nã đạn” cả hai bên giúp tăng khả năng thụ thai.


1. Phát hiện nhãn cầu khổng lồ


Tháng 10/2012, một quả nhãn cầu mắt màu xanh bí ẩn, to bằng quả bóng, được một ngư dân nhặt trên bờ biển Pompano, phía nam bang Florida (Mỹ) đã gây xôn xao cộng đồng mạng khi nó được công bố. Tuy nhiên, sau đó các chuyên gia nghiên cứu kết luận rằng con mắt khổng lồ đó thuộc về loài cá kiếm.



Ủy ban Bảo tồn cá và động vật hoang dã bang Florida trong thông báo đưa ra ngày 15/10/2012 kết luận: “Các chuyên gia đã xem xét và phân tích kỹ lưỡng nhãn cầu khổng lồ này, và dựa trên màu sắc, kích cỡ và cấu trúc, cùng với khung xương xung quanh nó, chúng tôi tin rằng con mắt khổng lồ này thuộc về loài cá kiếm. Dựa trên đường cắt thẳng xung quanh mắt, chúng tôi tin rằng một ngư dân nào đó đã khoét con mắt này ra và vứt xuống biển”.



Lê Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN