Tổ chức Nhân đạo quốc tế kêu gọi bảo vệ tê giác

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tại Việt Nam phối hợp với Tổ chức Nhân đạo quốc tế (HSI) tổ chức hội thảo chia sẻ thông tin nâng cao nhận thức bảo vệ tê giác và giảm nhu cầu về sừng tê giác.

Phát biểu tại hội thảo, bà Teresa Telecky, Giám đốc Bộ phận loài hoang dã thuộc HSI cho biết: Từ đầu năm 2013 tới nay, trên thế giới đã có hơn 746 cá thể tê giác bị săn trộm và giết chết ở Nam Phi, nơi có quần thể tê giác lớn nhất trên thế giới. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày hơn hai cá thể tê giác bị giết hại để lấy sừng. Nhiều trong số các sừng đó đã được đem đến châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tê giác tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Krugersdorp, Nam Phi. Ảnh: AFP-TTXVN


Giám đốc cơ quan quản lý CITES tại Việt Nam Đỗ Quang Tùng cho biết: CITES Việt Nam là cơ quan đại diện cho Chính phủ Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Kể từ khi tham gia công ước này vào năm 1994, CITES tại Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò điều phối với các cơ quan thực thi pháp luật có liên quan trong việc ngăn ngừa, đấu tranh chống tội phạm về loài hoang dã.

Đánh giá cao vai trò của hoạt động truyền thông về bảo vệ loài tê giác, ông Đỗ Quang Tùng cho rằng: Những thông tin nói về công dụng chữa bệnh của sừng tê giác đã làm cho một số người tin rằng đây là một liều thuốc chữa bách bệnh hoặc giảm sốt và một số người sử dụng để giải rượu. Cũng có không ít người đã sử dụng làm quà tặng. Tuy nhiên, kết quả nhiều nghiên cứu áp dụng công nghệ cao đã cho thấy sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh và chỉ có chất keratin và các thành tố khác có hại cho sức khỏe con người. Do đó, tuyên truyền rộng rãi thông điệp giảm nhu cầu về sừng tê giác đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ tê giác.

Tại hội thảo, đại diện HSI cho biết: Ngoài Nam Phi, Kenya, Zimbabwe và Ấn Độ báo cáo bị săn trộm một số lượng lớn tê giác, trong vòng 3 năm qua, cả Mozambique và Việt Nam đều chứng kiến sự tuyệt chủng của quần thể tê giác. Vào tháng 8/2013, tại Hà Nội, Cơ quan Quản lý CITES tại Việt Nam đã phối hợp với HSI tổ chức hội thảo quốc gia về nâng cao nhận thức bảo vệ và giảm nhu cầu sử dụng tê giác, cùng với các hoạt động dành cho sinh viên và học sinh mầm non, tiểu học. Gần đây, hai bên đã thực hiện các khóa tập huấn về nhận diện mẫu vật tê giác cho các cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam.


Nguyễn Hồng Điệp
Báo cáo về nạn sử dụng tê giác ở Việt Nam chưa chính xác

Đây là khẳng định của Giám đốc Cơ quan quản lý các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)tại buổi gặp mặt các cơ quan thông tấn báo chí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN