Theo Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA), nền nhiệt trung bình toàn cầu trên cả mặt đất và đại dương trong tháng 9 vừa qua đạt 15,9 độ C, cao hơn 0,9 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20 và "xô đổ" kỷ lục của tháng 9 ngoái (15,7 độ C).
Tháng 9 có nhiệt độ được ghi nhận thấp hơn mức trung bình toàn cầu của thế kỷ 20 là vào năm 1976. Nhiệt độ của tháng 9 hiện tăng trung bình 0,06 độ C mỗi thập kỷ.
Đây là tháng 9 thứ 39 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt trong thế kỷ 20. |
Sau khi phân tích và đánh giá các số liệu thu thập trên phạm vi toàn cầu, NOAA cho biết tình trạng tăng nhiệt độ diễn ra tại hầu hết các khu vực trên Trái Đất, trải dài từ Đông Bắc châu Phi tới Trung Đông, Đông Nam Á, phần lớn khu vực phía Bắc của Nam Mỹ, và khu vực phía Đông của Bắc Mỹ. Trong khi đó, phần còn lại của Nam Mỹ, khu vực cực Đông của Canada, bang Alaska của Mỹ, và phần lớn khu vực Trung Á lại ghi nhận nền nhiệt mát mẻ hơn.
Cũng theo NOAA, 9 tháng đầu năm nay đã trở thành một trong những giai đoạn có nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất và đại dương nóng nhất trong lịch sử. Trong giai đoạn trên, nền nhiệt toàn cầu được ghi nhận cao hơn 0,85 độ C so với nhiệt độ trung bình 14,1 độ C trong thế kỷ 20 và cao hơn 0,12 độ C so với cùng kỳ năm ngoái.
Có tới 7 tháng trong 9 tháng đầu năm nay (trừ tháng 1 và tháng 4) ghi nhận nền nhiệt nóng nhất trong lịch sử so với từng tháng tương ứng. Với những dữ liệu được ghi chép tính đến thời điểm này, giới chuyên gia dự báo năm 2015 có thể sẽ "soán ngôi" năm 2014 trở thành năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới.
Đối với nhiệt độ bề mặt các đại dương nói riêng, nhiệt độ nước ở các đại dương cao hơn 0,81 độ C so với nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20 và cao hơn so với nhiệt độ một tháng trước đó. Tình trạng tăng nhiệt độ diễn ra ở hầu hết các đại dương, đặc biệt ở vùng biển Đại Tây Dương ở phía Nam đảo Greenland.