Kết quả một phân tích ADN hóa thạch công bố tuần này cho biết người châu Á hiện đại và thổ dân châu Mỹ là hậu duệ của một nhóm người từng sống ở Trung Quốc cách đây 40.000 năm.
Để đi đến kết luận này, nhóm tác giả công trình nghiên cứu là các nhà khoa học đến từ Viện Nhân loại học tiến hóa Max Planck của Đức ngày 22/1 cho biết họ đã phân tích ADN của một mẩu xương chân được tìm thấy trong Hang Tianyuan, Trung Quốc, năm 2003. Từ đây, các nhà khoa học đã xây dựng hồ sơ gien của "chủ nhân" mẩu xương này - một cá thể người sống tại một thời điểm rất thú vị trong lịch sử con người hiện đại. Ông Svante Paabo, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết cá thể này sống trong giai đoạn tiến hóa quan trọng khi con người hiện đại, có chung một số đặc điểm với các dạng người Neanderthal, đang dần dà thay thế người Neanderthal và Denisovan. Các phân tích gien của mẩu xương cổ đại này lại cho thấy có một số điểm giống nhau về gien từ người châu Á hiện đại và thổ dân Mỹ.
Một điều thú vị nữa là ở các phân tích gien trước đó, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng con người hiện đại thuở sơ khai ở Bắc Kinh đã phân kỳ về gien từ tổ tiên của người châu Âu hiện đại.
Các nhà khoa học từng tìm thấy hóa thạch người có nguồn gốc Âu-Á sống cách đây từ 40.000 đến 50.000 năm trông giống với con người hiện đại. Tuy nhiên, nhóm tác giả trên nhấn mạnh rằng cần phải tiến hành nghiên cứu thêm nữa để tìm hiểu thời điểm và cách thức mà người hiện đại phân bổ rộng trên toàn châu Âu và châu Á.
TTXVN/Tin tức