Khí CO2 trong khí quyển lên mức cao kỷ lục

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc cảnh báo lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển trên toàn cầu tiếp tục tăng và đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2012.

Báo cáo của WMO ngày 7/11 cho biết lượng khí giữ nhiệt CO2, do xe cộ và ống khói nhà máy thải ra, đo được trong bầu khí quyển ở mức 393,1 pmm trong năm 2012 - tăng 2,2 ppm so với năm trước đó. Con số này vượt xa so với mức tối đa 350 ppm mà một số nhà khoa học và các nhóm môi trường khẳng định là giới hạn CO2 tồn tại an toàn trong bầu khí quyển.

Dựa trên tỷ lệ đó, WMO dự kiến mức độ ô nhiễm CO2 trên thế giới sẽ vượt qua ngưỡng 400 ppm vào năm 2016, mức một số trạm đo đã chạm tới trong năm 2012 và 2013.

Ảnh minh họa: Internet


Ngoài ra, báo cáo của WMO cho thấy methane - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính nguy hại có khả năng giữ nhiệt lớn hơn nhiều nhưng có tuổi thọ ngắn hơn CO2, hiện cũng đạt mức cao trong khí quyển với 1,819 ppb trong năm 2012, cao hơn so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp tới 260%. Methane có nguồn gốc từ tự nhiên như đất ngập nước và các ổ mối, tuy nhiên khoảng 60% khí này xuất phát từ việc chăn nuôi gia súc, trồng lúa, thải rác và các hoạt động khác của con người.

Nhân định về vấn đề này, Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud nhận định tình trạng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng trong bầu khí quyển Trái Đất cho thấy con người đã phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của bầu khí quyển, dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo ông Jarraud, khí CO2 có thể tồn tại nhiều thế kỷ trong không khí và điều này đồng nghĩa lượng khí thải trong tương lai sẽ khiến Trái Đất ngày càng ấm lên, kéo theo một loạt hậu quả như nạn đói, nghèo khổ, các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt, chiến tranh và dịch bệnh gia tăng trên thế giới.

Người đứng đầu WMO cũng cảnh báo trong thế kỷ này, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng thêm ít nhất hơn 2 độ C, gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân các nước thế giới, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế cần hành động quyết liệt để cắt giảm lượng khí thải trên toàn cầu.


Theo các nhà khoa học, kể từ khi thế giới bắt đầu bước vào kỷ nguyên công nghiệp năm 1750, khoảng 375 tỷ tấn carbon được thải vào khí quyển như khí CO2, chủ yếu do quá trình đốt cháy các nhiên liệu trong lòng đất.

Khoảng một nửa khối lượng khí CO2 này vẫn tiếp tục tồn tại trong không khí và phần còn lại được các đại dương và sinh quyển trên mặt đất hấp thụ. Chính việc hàng tỷ tấn CO2 trong bầu khí quyển thế giới tồn tại trong một thời gian dài đã làm cho nhiệt độ Trái Đất tăng lên và tác động đến tất cả các lĩnh vực của sự sống trên hành tinh.

Hiện lượng khí CO2 chiếm khoảng 3/4 các khí giữ nhiệt trên Trái Đất, gây nên tình trạng mực nước biển dâng cao, các sông băng tan chảy và khiến một số mô hình thời tiết thay đổi.



TTXVN/Tin tức
Trung Quốc “tiến thoái lưỡng nan” do thiếu khí đốt
Trung Quốc “tiến thoái lưỡng nan” do thiếu khí đốt

Trung Quốc đang phải gồng mình chống đỡ với tình trạng thiếu hụt khí đốt, do chính phủ nước này đang cố gắng "chiến đấu" với tình trạng khói bụi và sương mù dày đặc bằng cách cắt giảm lượng than đá tiêu thụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN