Giữa dịch COVID-19, kỹ sư tìm cách biến máy hút sữa thành máy thở

Một nhóm kỹ sư ở bang Maryland, Mỹ đang tìm cách biến máy hút sữa của các bà mẹ thành máy thở - thiết bị quan trọng có ý nghĩa sống còn với bệnh nhân COVID-19 nặng.

Chú thích ảnh
Brandi Gerstner đã tìm ra cách biến máy hút sữa thành máy đẩy không khí vào như máy thở. 
Ảnh: Business Insider

Theo tờ Business Insider, kỹ sư Brandi Gerstner cùng chồng là Grant và hai kỹ Alex Scott, Rachel LaBatt đã nghĩ ra ý định chỉnh sửa máy hút sữa thành máy thở.

Gerstner cho biết: “Máy này rất đáng tin cậy. Các bà mẹ khắp nơi sử dụng nhiều chục năm qua. Nếu tôi có thể biến đổi nó thì sao? Nếu tôi có thể làm máy phun ra thay vì hút? Tôi đã lấy máy hút sữa của mình ở nhà kho, dùng tua vít và dao… Bạn có thể thay đổi nó rất dễ dàng”.

Tuy nhiên, chuyển đổi chức năng hút mới chỉ là bước đầu trong biến máy hút sữa thành máy thở có thể dùng được. Nhóm kỹ sư cũng cần phải đồng bộ hóa thời gian bơm không khí theo nhịp hít vào-thở ra mà chuyên gia y khoa khuyến nghị.

Chú thích ảnh
Chiếc máy hút sữa sau khi được cải tiến. Ảnh: WMAR2 News

Thành viên nhóm Alex Scott cho biết thêm: “Chúng tôi cũng hàn vài chốt lên bảng điều khiển máy vắt sữa để bật và tắt”. 

Nhóm kỹ sư này đang trong quá trình biến đổi máy hút sữa thứ ba thành máy thở. Gerstner viết tren trang YouTube của nhóm: “An toàn là trọng tâm cơ bản và số một của chúng tôi”. Cô cũng kêu gọi các bác sĩ, kỹ sư dành thời gian nhận xét về thiết kế của nhóm.

Nếu thành công, đây có thể là lựa chọn rẻ tiền với các nhân viên y tế trong bối cảnh máy thở là mặt hàng được tìm mua nhiều trên toàn thế giới.

Số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 gia tăng mạnh đã khiến các trang thiết bị y tế thiếu hụt trên toàn nước Mỹ, từ thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ cho tới máy thở.

Máy thở rất cần thiết trong điều trị bệnh nhân nặng nhưng có giá đắt, từ 25.000 tới 50.000 USD/chiếc. Nhiều bệnh viện không có tiền để mua đủ số lượng cần thiết.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân được dùng máy trợ thở cải tiến từ mặt nạ lặn. Ảnh: AFP

Trước đó, một số bệnh viện châu Âu đã dùng mặt nạ lặn hỗ trợ bệnh nhân cần chăm sóc tích cực. Sáng kiến này do Italy nghĩ ra và được một số bệnh viện học hỏi. 

Các bác sĩ đã nghĩ ra cách cải tiến bộ dụng cụ lặn trở thành mặt nạ trợ thở. Mặt nạ trợ thở này có cấu tạo và hình thức tương tự mặt nạ lặn. Công nghệ in 3D tiên tiến sẽ đúc ra các cấu trúc phù hợp để biến dụng cụ lặn thành một máy thông khí hô hấp BiPAP tiêu chuẩn.

Còn tại Ấn Độ, chiếc máy thở có kích thước bằng máy nướng bánh mỳ đang mang lại hy vọng trong cuộc chiến chống COVID-19. Máy thở cầm tay này do chuyên gia phẫu thuật thần kinh Deepak Agrawal cùng nhà chế tạo robot Diwakar Vaish thuộc công ty AgVa phát triển.

Chú thích ảnh
Máy thở AgVa được các nhà sản xuất hy vọng có thể giúp chuyển những bệnh nhân ít nguy kịch hơn về nhà để điều trị. Ảnh: aljazeera.com

AgVa đã tăng sản xuất từ 500 chiếc lên 20.000 chiếc mỗi tháng. Chỉ nặng 3,5 kg, chiếc máy thở mini được được giới chuyên gia đánh giá có thể là một “vũ khí” then chốt trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Máy chỉ có giá khoảng 2.000 USD, rẻ hơn 5 lần so với máy thở thông thường.

Với kích thước nhỏ gọn, dễ di chuyển và lắp đặt cũng như cần nguồn điện thấp, máy thở AgVa được các nhà sản xuất hy vọng có thể giúp chuyển những bệnh nhân ít nguy kịch hơn về nhà để điều trị, qua đó góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thiếu thuốc đi kèm, máy thở ở Mỹ sẽ như ô tô hết xăng
Thiếu thuốc đi kèm, máy thở ở Mỹ sẽ như ô tô hết xăng

Bệnh nhân COVID-19 nặng cần máy trợ thở, nhưng để cứu mạng sống những người này, bác sĩ cần cả thuốc để dùng khi vận hành máy. Điều đáng lo với nước Mỹ là loại thuốc này đang cạn kiệt, có thể khiến những chiếc máy thở quý giá trở nên vô dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN