Đọc thơ “kéo lại” trí nhớ người già

Nếu con có thể giữ được tâm trí mình khi những người xung quanh đánh mất chúng rồi đổ lỗi cho con...” - cô gái trẻ với giọng trầm bổng đọc đoạn thơ rồi ngưng lại chờ đợi giữa căn phòng yên tĩnh - “... con sẽ trưởng thành, con trai của ta”, cụ bà Margaret hoàn thiện nốt câu thơ còn dang dở trong tiếng gật gù tán thưởng của những cụ ông, cụ bà tóc bạc trắng ngồi xung quanh.


Bệnh Alzheimer (chứng mất trí nhớ ở người già) đã “đánh cắp” hầu hết ký ức của cụ Margaret cùng những người cao tuổi khác tại nhà dưỡng lão. Kỳ lạ thay, trong màn sương ký ức mờ nhạt không phân định, cụ vẫn còn nhớ được một vài câu thơ của thi sĩ nổi tiếng người Anh Rudyard Kipling mà cụ được học từ khi còn nhỏ.

 

Những đoạn thơ hay, những mẩu chuyện vui có thể đem lại niềm vui cho người già.


Chẳng cần tiêm gây nhiều đau đớn hay uống thuốc, vần điệu của những bài thơ hay đã giúp “kéo lại” phần nào trí nhớ và các kỹ năng giao tiếp thông thường cho người già mắc chứng bệnh Alzheimer. Vì vậy, không ít các nhà dưỡng lão, bệnh viện, trung tâm sức khỏe tại Anh đã kêu gọi những tình nguyện viên trẻ tuổi đến đọc thơ cho người già tại đây.


“Nếu các bệnh nhân nghe thấy một câu hoặc một đoạn thơ quen thuộc với chút ký ức ít ỏi còn lại, họ sẽ vui cả ngày”, cô Elaine Gibbs, người điều hành nhà dưỡng lão Hylands cho hay.


Trang nhã trong chiếc váy in hoa và mái tóc búi gọn, cụ bà Miriam Cowley lắng nghe chăm chú từng câu từng chữ trong bài “Hoa thủy tiên vàng” của nhà thơ William Wordsworth, do một tình nguyện viên đọc. “Tôi học bài thơ này từ khi còn nhỏ, nhưng tôi đã quên mất nó. Nay được nghe lại, tôi thấy những kỷ niệm đẹp lại ùa về và tôi thường mơ tới những bông hoa thủy tiên vàng rực rỡ”, người giáo viên nghỉ hưu bị mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn tâm sự.


Thi ca mở lối


Nhà dưỡng lão luôn được cho là một nơi tẻ nhạt và các cụ già sống ở đây cứ dần quên lãng mọi thứ, thậm chí ngay cả bản thân mình. Tuy nhiên, với các tình nguyện viên trẻ, đây lại là một cơ hội mới để trải nghiệm và làm việc có ý nghĩa.


“Bạn đến đây và rồi các cụ ông, cụ bà đáng kính ngồi xung quanh, lắng nghe bạn đọc thơ... bạn có thể nhìn thấy cuộc sống này trong con người họ và quan trọng là được thấy họ cười vui”, Hannah Ciotkowski chia sẻ. Cô bé 15 tuổi còn mong muốn sau này khi về già cũng được mọi người đến đọc thơ hay ca hát mỗi ngày.


Không chỉ có các bạn trẻ, cựu diễn viên điện ảnh 81 tuổi Anita Wright cũng tình nguyện đến nhà dưỡng lão Hylands. Theo bà Anita, cảm giác thật khó tả khi những người cao tuổi tại đây, vốn thường tha thẩn làm việc theo ý thích, lại bỗng nhiên tập trung lại để nghe bà đọc thơ.


Bà Anita từng được chứng kiến một cụ bà khóc nức nở khi nghe bài thơ kể về người đàn ông sắp phải rời xa người mình yêu. Sau đó cụ bà đã trải lòng, kể với mọi người chuyện người chồng yêu thương của cụ đã qua đời như thế nào. Điều đáng nói, từ khi đến trại dưỡng lão, cụ bà chưa từng nói chuyện với ai và thi ca đã tạo nên điều kỳ diệu này.


Theo cô Lyn Darnley, một người đọc thơ tình nguyện khác, thi ca ẩn giấu sức mạnh ít ai ngờ tới. “Nhịp thơ chảy bên trong tâm trí chúng ta và những bài thơ có thể làm sáng lại những ký ức, kỷ niệm ẩn sâu trong quá khứ”, cô Lyn nói.


Thực tế, thơ ca không thể làm chậm lại hay ngăn chặn chứng mất trí nhớ ở người già, căn bệnh ảnh hưởng tới hơn 800.000 người tại Anh. Tuy nhiên, hoạt động này chắc chắn sẽ đem lại niềm vui trong cuộc sống của người cao tuổi.


Hoàng Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN